Năm nay, ở hạng mục chủ sở hữu là viện nghiên cứu, trường đại học, top 1 Ngôi sao sáng chế thuộc về Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của các chủ sở hữu là cá nhân, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp có nhiều bằng sáng chế nhất thông qua việc xét số lượng bằng sáng chế được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn từ 1/1/2016-1/9/2021.
PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng (thứ 4 từ trái qua) thay mặt Nhà trường nhận giải. Ảnh: NH
Theo thống kê, từ năm 2016 – 2021, có 63 bằng sáng chế Cục Sở hữu trí tuệ được cấp cho các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Riêng trong năm 2021, số lượng bằng sáng chế được cấp là 11.
Các sáng chế của các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội mang đậm tinh thần đổi mới sáng tạo và tinh thần hàn lâm. Có thể kể tên những giải pháp rất gần gũi mà hữu ích, giải quyết các bài toán trong cuộc sống như các sáng chế đến từ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm: Phương pháp chiết xuất dầu gấc trực tiếp từ màng gấc tươi – nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hoàng; Quy trình sản xuất gluco từ bã sắn – nhóm tác giả Tô Kim Anh; Chủng vi khuẩn lactic chịu mặn Tetragenococcus halophilus V7-3 – nhóm tác giả Lê Thanh Hà; Chủng nấm men Pichia pastoris tái tổ hợp sinh tổng hợp Lactoferrin bò và quy trình tạo ra chủng này – nhóm tác giả Trương Quốc Phong.
Hay sáng chế mang đậm dấu ấn của công nghệ thông tin: Phương pháp phát hiện thiết bị bị nhiễm mã độc DGA – nhóm tác giả Trần Quang Đức – Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các tác giả từ các Viện ITIMS, Trường Cơ khí, Viện Vật lý kỹ thuật, Viện Hóa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng rất bền bỉ nghiên cứu, sáng tạo với các sáng chế về: Buồng trộn, vòi phun hỗn hợp nước – khí nén dùng trong công nghệ dập bụi làm mát – nhóm tác giả Lương Ngọc Lợi; Bộ nguồn hiệu suất cao sử dụng transistor gan fet ứng dụng cho hệ thống đèn led chiếu sáng đường phố/nhà xưởng tích hợp pin quang điện mặt trời và pin nạp – nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Trung; Kênh dẫn sóng plasmon lai tùy biến khoảng cách truyền – nhóm tác giả Chu Mạnh Hoàng; Hệ thống đo bán kính bằng phương pháp quang học – nhóm tác giả Vũ Thanh Tùng; Sản xuất bột màu vàng vô cơ chịu nhiệt từ quặng ilmenit, cromit và antimonit – nhóm tác giả La Thế Vinh; Phương pháp mới tổng hợp micro HKUST-1 có hiệu suất và độ bền nhiệt cao – nhóm tác giả Tạ Ngọc Đôn.
Không chỉ giảng viên nghiên cứu khoa học, sinh viên Bách khoa Hà Nội được thầy cô hướng dẫn cũng rất đam mê nghiên cứu tại lab, lập nhóm nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm hữu ích với cuộc sống.
Chỉ riêng trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp sinh viên, nhiều sáng chế đã thể hiện được niềm say mê sáng tạo này, như: Hỗ trợ đỗ xe thông minh; găng tay diễn dịch cử chỉ tay ra chữ viết cho người câm điếc; giải pháp bảo mật đầu cuối cho mạng di động, máy bay điều khiển không người lái, hay các ứng dụng liên quan y tế như các hệ thống đo chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân sốt xuất huyết; các thiết bị phục hồi chức năng cho trẻ bại não…
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tìm ra giải pháp chống nóng cho các y bác sĩ phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức trong thời tiết khắc nghiệt chống chọi với Covid-19.
Được biết, năm 2020, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thuộc tốp 400 trường đại học hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật, thuộc tốp 500 về khoa học máy tính, do đó Trường luôn chú trọng vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Từ năm 2008, Trường đã thành lập Công ty BK-Holdings để chuyển giao công nghệ và mới đây đã thành lập ban chuyển giao công nghệ. Quỹ đầu tư BK Fund thuộc Bách khoa Hà Nội không chỉ rót vốn mà còn huy động “chất xám” từ chính mạng lưới hơn 200.000 cựu sinh viên Bách khoa. Với sự từng trải và dạn dày của người làm kinh doanh, những cựu sinh viên của Bách khoa vừa góp vốn vừa đóng góp trí tuệ bằng cách cố vấn trực tiếp cho các công ty khởi nghiệp.
Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường duy nhất của Việt Nam được tổ chức Clarivate vinh danh ở hạng mục cơ sở Giáo dục đại học đạt Giải thưởng sáng tạo năm 2021. Còn Theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) vừa công bố, Bách khoa Hà Nội nằm trong 1201+ các trường đại học tốt nhất trên thế giới năm 2022.
Giải thưởng “Ngôi sao sáng chế IPStar 2021” thêm một lần nữa khẳng định nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo của thầy và trò Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguồn: hust.edu.vn