Life story, teacher career story of the same age as Hanoi Polytechnic

Life story, teacher career story of the same age as Hanoi Polytechnic


GS. Nguyễn Văn Cách – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại một buổi giao lưu.

GS. Nguyễn Văn Cách, sinh năm 1956, hiện đang là giảng viên cao cấp công tác tại Bộ môn Vi sinh – Hóa sinh – Sinh học phân tử, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường. “Người cùng tuổi” với Đại học Bách khoa Hà Nội, bày tỏ niềm phấn khởi khi cùng “người bạn đồng trang lứa” bước sang tuổi 65.
“Chất Bách khoa” của “người Bách khoa”
GS. Nguyễn Văn Cách tâm sự: “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là mong ước của tôi từ thời trai trẻ”. Sau những ngày gian khổ xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thầy Cách trở lại trường, tiếp tục học tập.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Cách được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy và chuyển tiếp sinh tại Cộng hòa dân chủ Đức. Ngay khi bảo vệ Tiến sĩ xong, thầy làm cán bộ giảng dạy liên tục cho đến hôm nay.
Suốt những năm tháng lao động và cống hiến tại Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Nguyễn
Văn Cách đã có rất nhiều kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ. Tuy nhiên, điều thầy ấn tượng nhất là về những con người Bách khoa.
“Có đôi chút “kỹ thuật hóa” trong ứng xử, nhưng thầy và trò Bách khoa là những con người nhiệt tâm với công việc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Người Bách khoa cần tận dụng những điểm mạnh của mình vào giải quyết vấn đề thực tiễn” – thầy Cách nhận xét.
Là một người Bách khoa, “chất Bách khoa” luôn rực cháy trong con người GS. Cách. Đối với GS, “Bách khoa là chính xác và tin cậy; là tôn trọng thực tiễn, chấp nhận thách thức và dám lấy hiệu quả đóng góp cho xã hội để hoàn thiện công tác dạy và học của mình và của trường”.
Đồng hành cùng Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Nguyễn Văn Cách không chỉ gặt hái được những thành tựu về mặt khoa học – kỹ thuật, mà còn được bồi đắp thêm những giá trị về tinh thần.
“Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho tôi niềm đam mê, tri thức, gia đình và sự nghiệp. Trường đã cho tôi tri thức và vị thế để hoạt động khoa học; cho tôi môi trường triển khai thành công các công trình nghiên cứu chất lượng cao, được cả các đối tác trong nước và quốc tế ghi nhận”, thầy Cách chia sẻ.
Ngày tốt nghiệp đại học, GS. Cách chỉ nghĩ: “Nhà tôi ở nông thôn, được đi học Bách khoa Hà Nội, tôi chỉ mong bản thân cố gắng làm sao để ra trường”. Ấy vậy mà cậu tân kỹ sư môi trường năm ấy lại “được ở lại trường công tác, nghiên cứu, ba lần được đăng ký sở hữu trí tuệ thế giới, được đóng góp cho nhân loại”. Thầy bày tỏ: “Tôi vẫn nung nấu ý muốn xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Nếu có đủ vốn, tôi sẽ làm thật tốt, mục tiêu là làm tốt hơn các nước bạn”.
“Đôi bạn đồng trang lứa”
Được coi là “người bạn đồng trang lứa” với Bách khoa Hà Nội, thầy Cách bày tỏ niềm xúc động khi cả hai đang bước sang tuổi 65. Nhà giáo 65 tuổi yêu tất cả mọi góc của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng ấn tượng nhất là tòa nhà C1 với mái vòm cong cùng hàng cây soi bóng trên mặt hồ Bảy Mẫu.
“Đây là hình ảnh đầu tiên về Trường đã cùng tôi đi vào chiến trường, rồi trở lại giảng đường – vẫn thân thương và sống động cho đến bây giờ”, thầy bồi hồi nhớ lại. “Ngày ấy, khi nhận được giấy gọi nhập học, tôi bắt xe từ bến Kim Liên qua công viên Thống Nhất để vào trường. Khoảnh khắc đứng từ công viên nhìn sang Bách khoa Hà Nội, thấy chiếc mái cong của tòa C1 cao vời vợi, tôi chỉ mong được vào học ngay”, thầy Cách chia sẻ.
Ấy thế nhưng thầy lại nhận được thông báo nhập ngũ. Giắt bộ sách Toán, Lý, Hóa vào balo, thầy lên đường Nam tiến với khát vọng ngày trở về lại được là người Bách khoa. Thầy nói: “Đi bộ đội nếu may mắn trở về được, nhất định tôi phải vào Bách khoa Hà Nội học”.
Trải qua quãng thời gian học tập và làm việc tại Bách khoa, điều thầy lưu luyến nhất tại Bách khoa Hà Nội vẫn là con người: “Tôi nhớ nhất những người thầy và các sinh viên Bách khoa Hà Nội. Họ dạy và học không chỉ vì niềm đam mê, vì cuộc sống của cá nhân, mà còn vì sự phát triển không ngừng của Trường, sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước và để xứng đáng với sự trông đợi của cộng đồng.”
Nếu được chọn lại, thầy Cách vẫn lựa chọn gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy tự hào kể: “Ba thế hệ gia đình tôi đã gắn kết với Trường Đại học Bách khoa từ những ngày đầu. Ông ngoại tôi là PGS. Trần Hữu Quế, là tác giả của Logo Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi và người bạn đời – Nhà giáo Ưu tú – PGS. TS. Trần Liên Hà – đều dành cả cuộc đời làm việc, cống hiến cho Trường. Hai con gái của tôi là sinh viên Bách khoa Hà Nội, có cháu từng là thủ khoa thành phố, tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc”.
Với cương vị là một cán bộ, giảng viên cao cấp của Trường, thầy Cách nhắn gửi đến các thế hệ giảng viên, sinh viên sau này của Đại học Bách khoa Hà Nội: “Hãy tư duy đúng, hành động kiên quyết và mau lẹ, học cả điều người khác chưa học, dám làm cả theo cách người khác chưa làm để tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao cho cộng đồng. Chúc các đồng nghiệp trẻ và các em sinh viên sức khỏe, khát vọng vươn lên và thành đạt! Chúc Đại học Bách khoa Hà Nội liên tục trưởng thành và phát triển!”

Những NCKH ứng dụng trong thực tiễn của GS. Nguyễn Văn Cách
– Ứng dụng sáng chế “Bể tích hợp năm chức năng và điều chỉnh được để xử lý nước thải” để xây dựng mô hình xử lý nước thải cho làng nghề sản xuất bánh đa và miến (Tại thôn Me, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; 2014);
– Ứng dụng bể xử lý tích hợp 5 chức năng để xử lý nước thải đô thị (Modul xử lý 90 m3 tại Đập tràn A, Hồ Điều hòa Yên Sở, Quận Hoàng Mai, Hà Nội; 2010);
– Ứng dụng thiết bị khuấy trộn sục khí tầng sôi để cấp khí cho nước hồ (tại Hồ Sài Đồng 1, Quận Gia lâm, Hà Nội; 2007);
– Sản xuất nước giải khát hương bia (tại Công ty Ong Nam Hà, tỉnh Nam Hà; 1995).

Trần Trang. Ảnh: NVCC