Tiến bộ Kỹ thuật Thực phẩm và Kỹ thuật Sinh học: Từ nghiên cứu tới sản xuất

Tiến bộ Kỹ thuật Thực phẩm và Kỹ thuật Sinh học: Từ nghiên cứu tới sản xuất

Gắn liền đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, đổi mới kỹ thuật nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (CNSH&CNTP) là nội dung chính của Hội thảo “Tiến bộ kỹ thuật thực phẩm và kỹ thuật sinh học – Từ nghiên cứu tới sản xuất” (http://sbftconference.hust.edu.vn) được Viện CNSH&CNTP, Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức trong hai ngày 10 và 11/10/2016 tại Hội trường tầng 10, Tòa nhà Tạ Quang Bửu nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.

PGS.TS. Quản Lê Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 các nhà khoa học và chuyên gia, diễn giả đến từ các 38 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực CNTP&CNSH trong nước và các quốc gia trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Canada…), đại diện các Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương, Tổng cục Hậu Cần, đại diện Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội và 30 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNSH&CNTP.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS Quản Lê Hà – Viện trưởng Viện CNSH&CNTP khẳng định: “Viện CNSH&CNTP luôn quan tâm, ưu tiên phát triển ngành khoa học CNSH&CNTP, đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn liền với thực tiễn sản xuất phục vụ sự phát triển công nghiệp thực phẩm và sinh học của cả nước; điều này thể hiện rõ qua việc hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp mở rộng ngành đào tạo, NCKH &CGCN đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời gian qua”.

GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh: “Việc liên kết trường đại học – doanh nghiệp đã thể hiện bước đi đúng đắn cho sự phát triển các thế mạnh của Trường trong tương lai. Vì vậy, Hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động khoa học kỷ niệm 60 năm thành lập Trường với gần 25 Hội nghị khoa học đã tạo tiếng nói chung trong cộng đồng khoa học, tăng cường khả năng hợp tác, gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất”.

GS. Đinh Văn Phong phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 90 báo cáo khoa học của 120 nhà khoa học, trong đó hầu hết kết quả nghiên cứu có chất lượng cao và được đăng tải trên trên Tạp chí KH&CN số chuyên san đặc biệt 54 (4A) 2016 và Kỷ yếu của Hội thảo. Những vấn đề Hội thảo đặt ra mang tính thời sự, mới mẻ và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới về những vấn đề tiến bộ kỹ thuật CNSH&CNTTP, tập trung vào 06 chủ đề chính: Xu hướng mới của công nghệ thực phẩm; An toàn thực phẩm – phát triển và ứng dụng các kỹ thuật phân tích mới; Kỹ thuật sinh học trong bảo vệ môi trường; Các hợp chất có hoạt tính sinh học và kỹ thuật áp dụng; Các công nghệ sinh khối, kỹ thuật quá trình và thiết bị mới. Đặc biệt, các giáo sư hàng đầu trên thế giới đã giới thiệu các kết quả có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, cập nhật những xu hướng CNSH&CN mới trên thế giới về: Sức mạnh của vi khuẩn Bacilli đối với cuộc sống con người (GS Hidetaka Hori – ĐH Niigata Nhật Bản); phát triển kỹ thuật kiểm soát phản ứng Maillard trong sữa và ứng dụng trong các sản phẩm sữa (GS. TS Hiroyuki Ukeda, Đại học Kochi, Nhật Bản); Phản ứng nhanh với khủng hoảng an toàn thực phẩm theo phân tích kiểm nghiệm LC – QTOF, (ông Vincent Lau – chuyên gia cao cấp, Hãng công nghệ Sciex – Mỹ)…

Hội thảo là địa chỉ gặp gỡ, là cầu nối cho các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời tăng cường sự liên kết giữa nhà khoa học, nghiên cứu và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường đào tạo gắn với thực tế, thúc đẩy sự phát triển KHCN, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phiên toàn thể

Phân ban Kỹ thuật thực phẩm
Phân ban Kỹ thuật Sinh học

Sản phẩm trưng bày tại hội thảo


Giáo sư Nguyễn Kim Vũ tại phân ban Poster

Sinh viên Viện CNSH & CNTP với Hội thảo

Bài viết dựa theo Hoàng Anh – CCPR