Quá trình hình thành và phát triển

Quá trình hình thành và phát triển

Lịch sử

Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm mà tiền thân là tổ Bộ môn Vi sinh – Hóa sinh thuộc Khoa Kỹ thuật hóa học được hình thành từ năm học 1957-1958, gồm có 3 cán bộ giảng dạy vi sinh, hóa sinh và 1 cán bộ phục vụ. Năm học 1959-1960 tổ được bổ sung thêm 6 cán bộ giảng dạy và trở thành Bộ môn Kỹ thuật thực phẩm, đảm nhiệm việc đào tạo Kỹ sư Công nghệ thực phẩm duy nhất ở Việt Nam thời bấy giờ.

Năm 1967, Phân hiệu Đại học Công nghiệp nhẹ được thành lập và Bộ môn Kỹ thuật thực phẩm trở thành Khoa Kỹ thuật thực phẩm của Phân hiệu này và là cơ sở đào tạo đại học hàng đầu ngành công nghệ thực phẩm của nước ta từ đó cho đến nay. Khoa Kỹ thuật thực phẩm gồm Bộ môn Vi sinh-Hóa sinh, Bộ môn Đồ hộp – Lạnh thực phẩm, Bộ môn Công nghiệp lên men, Bộ môn Đường – Lương thực, Bộ môn cây nhiệt đới.

Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, Khoa Kỹ thuật thực phẩm đã chi viện nhân lực bao gồm các thầy cô có trình độ chuyên môn và giáo trình cho 2 Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh để làm lực lượng nòng cốt cho đào tạo Kỹ sư công nghệ thực phẩm tại hai miền của đất nước.
Năm 1977 Phân hiệu Đại học Công nghiệp nhẹ sát nhập lại vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khoa Kỹ thuật thực phẩm trở thành một khoa của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 1986, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ sinh học Khoa Công nghệ Thực phẩm được tách ra và hình thành 2 đơn vị độc lập là Khoa Công nghệ thực phẩm và Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học. Khoa Công nghệ thực phẩm bao gồm Bộ môn Thực phẩm chung, Bộ môn Đường – Lương thực, Bộ môn Công nghệ các sản phẩm lên men, Bộ môn Công nghệ các sản phẩm cây nhiệt đới và Bộ môn Máy thực phẩm. Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học tham gia giảng dạy hai môn học Vi sinh và Hóa sinh trong các chương trình đào tạo của Khoa Công nghệ thực phẩm và triển khai các chương trình nghiên cứu về công nghệ sinh học..

Năm 1996 Khoa Công nghệ Thực phẩm sát nhập với Khoa Công nghệ Hóa học để hình thành Khoa Công nghệ Hóa học, Thực phẩm và Sinh học. Các bộ môn đào tạo và nghiên cứu của ngành thực phẩm gồm có Bộ môn Công nghệ Lương thực – Thực phẩm, Bộ môn Công nghệ sinh học thực phẩm, Bộ môn Công nghệ thực phẩm nhiệt đới.

Năm 1999, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ môn Công nghệ thực phẩm – Công nghệ Sau thu hoạch, Bộ môn Công nghệ sinh học thực phẩm, Bộ môn Công nghệ thực phẩm nhiệt đới với Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học và nhóm Máy thực phẩm.

Năm 2010, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm tiến hành tái cơ cấu Viện để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới. Cơ cấu tổ chức mới của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm bao gồm 05 bộ môn và 02 Trung tâm: Bộ môn Vi sinh-Hóa sinh-Sinh học phân tử, Bộ môn Công nghệ sinh học, Bộ môn Công nghệ thực phẩm (được hình thành trên cơ sở sát nhập Bộ môn Công nghệ thực phẩm – Công nghệ sau thu hoạch, Bộ môn Công nghệ các sản phẩm lên men và một phần của Bộ môn Quản lý chất lượng và Thực phẩm nhiệt đới), Bộ môn Quản lý chất lượng, Bộ môn Quá trình và Thiết bị CNSH-CNTP, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học và Trung tâm đào tạo và phát triển sản phẩm thực phẩm.

Mục tiêu

– Là địa chỉ đào tạo tin cậy, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm trong nước và trong khu vực.
– Là đơn vị nghiên cứu phát triển giải pháp kỹ thuật và công nghệ có năng lực và hợp tác, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thực tế phát triển và sản xuất.

Chức năng-Nhiệm vụ

+ Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm
+ Nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và thực phẩm.
+ Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong thực tế sản xuất, chuyển giao công nghệ, tham gia và trợ giúp giải quyết các vấn đề thực tế gặp phải.
+ Phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo, về nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ.