Danh sách cán bộ

Nằm tại toà nhà B1, trung tâm nghiên cứu và phát triển CNSH được thành lập năm 2010 trên cơ sở Dự án Giáo dục đại học II do Ngân hàng Thế giới viện trợ với mục tiêu “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu công nghệ sinh học (CNSH) công nghiệp tại ĐHBK HN”. Trung tâm định hướng và tập trung vào 3 hoạt động chính: Nghiên cứu phát triển và kiểm định công nghệ cao trong lĩnh vực CNSH, Cung cấp các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao trong lĩnh vực CNSH, Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phục vụ đời sống
Với đội ngũ 5 thầy cô có trình độ, được đào tạo bài bản ở các môi trường giáo dục hiện đại, Trung tâm đang quản lý hệ thống thiết bị phòng thí nghiệm chia làm 4 cụm được thiết kế là một dây chuyền hoàn chỉnh cho việc phát triển công nghệ chế tạo sản phẩm, kiểm soát quá trình cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm. Với hệ thống thiết bị động bộ, hiện đại, một môi trường nghiên cứu mở, các nhà khoa học có điều kiện để tự do nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng thử nghiệm các giải pháp CNSH trong sản xuất và phục vụ đời sống. Trung tâm là điểm đến hấp dẫn trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ sinh học.

PTN Kỹ thuật gen:  Phòng thí nghiệm được  trang bị các thiết bị phục vụ cho các thao tác về gen như hệ thống giải trình tự gen, các hệ thống Real-time PCR, hệ thống lai phân tử, hệ thống Nanodrop 2000, hệ thống biến nạp xung điện BTX… có khả năng thực hiện được các nghiên cứu về xác định chức năng của gen, về tách dòng và biểu hiện gen. Bên cạnh đó, PTN còn được trang bị thêm hệ thống phân tích miễn dịch, hệ các thiết bị chế tạo các que thử theo nguyên tắc sắc ký miễn dịch. PTN Kỹ thuật gen cung cấp dịch vụ phân tích các virút gây bệnh trong thực phẩm bằng các kỹ thuật sinh học phân tử như RT-PCR, RT –LAMP

PTN Proteomics: Phòng thí nghiệm được trang bị đồng bộ các thiết bị hiện đại nghiên cứu về protein như tương tác protein, điện di một chiều, điện di 2 chiều, điện di hai chiều gắn huỳnh quang, hệ thống tách phân đoạn protein dựa vào điểm đẳng điện, hệ thống tinh sạch protein FPLC, hộ thống quét huỳnh quang và các phần mềm phân tích hình ảnh gel, hệ thống western blot,…cho phép thực hiện các nghiên  cứu hệ protein, enzyme, peptide và các sản phẩm biểu hiện gen. Đây là một môi trường lý tưởng để thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng về protein. Phòng thí nghiệm proteomics đã xây dựng thành công các hệ thống biểu hiện gen hiệu suất cao bao gồm E. coliBacillus subtilis, Bacillus megateriumBaculovirus phục vụ cho các nghiên cứu và dịch vụ biểu hiện gen. PTN đã thiết lập được quy trình công nghệ tạo các que thử nhanh dựa trên vật liệu kháng nguyên – kháng thể, aptamers – oligonucleotide phục vụ nghiên cứu và dịch vụ tạo que thử phát hiện bệnh, tác nhân gây bệnh ở người và động vật.

PTN Kỹ thuật Lên men: Phòng thí nghiệm được trang bị các hệ thống lên men từ quy mô nhỏ 2 lit đến 100 lit …cho phép nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lên men và  kiểm soát quá trình nhằm cải tiến, tối ưu hóa quá trình lên men, nâng cao hiệu quả tạo sản phẩm. Tại đây, khả năng biểu hiện gen/trao đổi chất của vi sinh vật được tối ưu hóa nhờ việc nghiên cứu các kỹ thuật lên men thích ứng, tối ưu hóa các điều kiện kỹ thuật lên men như pH, nhiệt độ, tốc độ khuấy, sục khí, kỹ thuật tiếp môi trường, tách sản phẩm…, nhờ đó các giải pháp lên men được thiết lập nhằm xây dựng quy trình công nghệ tạo sản phẩm đi từ chủng giống đã được sàng lọc, tạo mới. Với các hệ lên men khác nhau từ quy mô PTN tới quy mô pilot , các hệ thống còn cho phép nghiên cứu sự chuyển quy mô của quá trình – một bước đi quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ cho sản xuất.

PTN Kỹ thuật thu hồi sản phẩm: Phòng thí nghiệm cuối cùng trong chuỗi 4 cụm phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm. Vai trò của cụm thí nghiệm này hết sức quan trọng, bởi tại đây các sản phẩm tạo ra  trong quá trình lên men sẽ được thu hồi và hoàn thiện tạo thành các sản phẩm cuối cùng nhờ các hệ thống thiết bị hiện đại, bao gồm việc tách hay thu hồi sinh khối và dịch lên men nhờ các hệ thống ly tâm siêu tốc hay ly tâm liên tục; phá vỡ tế bào  nhờ hệ thống máy đồng hóa cao áp nhằm thu hồi các thành phần nội bào; các hệ thống lọc màng với các kích thước màng lọc khác nhau từ vài kDa đến vài trăm kDa, siêu lọc hay thẩm thấu ngược cho phép phân tách, cô đặc và tinh sạch sản phẩm từ dịch lên men; các thành phần quan tâm thu nhận được từ quá trình lên men có thể được tách ẩm nhờ hệ thống sấy đông khô hay sấy phun. PTN cũng được trang bị hệ thiết bị sắc ký lỏng cao áp cho phép tiến hành các phân tích và nghiên cứu ổn định chất lượng sản phẩm nghiên cứu, hỗ trợ các nghiên cứu cũng như thực hiện các phân tích cần thiết.

Bên cạnh các hoạt động giảng dạy cùng với các bộ mộn chuyên ngành, hiện nay Trung tâm đang tập trung vào các hướng nghiên cứu chính về trong lĩnh vực CNSH, bao gồm:

  • Nghiên cứu sàng lọc/tạo mới các nguồn gen, đặc biệt nguồn gen bản địa, cho mục tiêu phát triển chế phẩm protein/enzyme, hoạt chất sinh học nhờ kỹ thuật proteomics và sinh học phân tử cho các ứng dụng công nghiệp, nông nghiệp, y học và dược phẩm.
  • Nghiên cứu phát triển các giải pháp và công cụ phân tích nhanh dựa trên kỹ thuật sinh học phân tử, hóa sinh, miễn dịch cho phân tích và chẩn đoán  bệnh và tác nhân gây bệnh, ứng dụng trong y tế, thú y, thủy sản và kiểm soát an toàn thực phẩm.
  • Nghiên cứu phát triển các giải pháp kỹ thuật và các giải pháp thiết bị cho thiết lập  và tối ưu quá trình công nghệ sinh học, bao gồm lên men và thu hồi sản phẩm từ dịch lên men cũng như giải pháp kỹ thuật môi trường.

Nhiều đề tài dự án các cấp giải quyết các vấn đề nóng hổi như môi trường, bệnh tật, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thực hiện tại trung tâm, tạo ra nhiều kết quả có giá trị về mặt khoa học cũng như thực tiễn, chẳng hạn như:

  • Nghiên cứu tạo chế phẩm enzym tái tổ hợp thuỷ phân lignocellulose phục vụ sản xuất cồn nhiên liệu. cấp nhà nước.
  • Phân tích so sánh hệ protein của chủng vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhạy cảm và kháng đa thuốc phân lập tại Việt nam, đề tài nghiên cứu cơ bản
  • Cố định beta-galactosidase tái tổ hợp từ Lactobacillus reuteri L103 biểu hiện trong Lactobacillus plantarum sử dụng liên kết chitin lên vật liệu chitin, ứng dụng cho sản xuất galacto-oligosaccharide từ lactose (Bộ Khoa học và Công nghệ). Đề tài nghiên cứu cơ bản
  • Nghiên cứu sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh vật để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải nhà máy chế biến cao su. Chương trình CNSH Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PT Nông thôn
  • Nghiên cứu phát triển phương pháp, công cụ phân tích nhanh vi sinh vật gây bệnh và độc tố trong các sản phẩm thủy sản. Bộ giáo dục và đào tạo
  • Nghiên cứu phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh Norovirus trong các loại nhuyễn thể và thực phẩm chế biến không gia nhiệt dựa trên kỹ thuật RT-LAMP. B2013.01.51.Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Nghiên cứu tạo bộ sinh phẩm dạng que thử phát hiện nhanh virus rota gây tiêu chảy ở trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, với hệ thống thiết bị hiện đại, Trung tâm luôn mở cửa cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao với các đơn vị bên ngoài liên quan tới các hướng nghiên cứu của Trung tâm.
Trung tâm NC và Phát triển Công nghệ sinh học hàng năm tiếp nhận trung bình 50 sinh viên, nghiên cứu sinh học viên cao học tới làm việc nghiên cứu và học tập tại các cụm phòng thí nghiệm. Nhờ đó các bạn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm khi đi làm thực tế tại các Viện Nghiên cứu, Các Phòng Kiểm nghiệm, Bệnh viện hay các nhà máy Kỹ thuật sinh học. Bên cạnh đó, hàng năm trung tâm tiếp nhận 3-5 sinh viên quốc tế từ nhiều nơi khác nhau tới trao đổi như Hàn Quốc, Áo, Đức, Pháp, Nhật…. vừa tạo ra không khí làm việc quốc tế cho các bạn sinh viên Việt Nam, vừa có cơ hội để giao lưu văn hoá, chia sẻ kinh nghiệm sống tại nước ngoài khi các bạn sinh viên có mong muốn được du học.

https://www.facebook.com/CRDBB1HUST/