Danh sách cán bộ

Lịch sử của Bộ môn

Bộ môn Công nghệ thực phẩm mà tiền thân là tổ Bộ môn Vi sinh – Hóa sinh thuộc Khoa Kỹ thuật hóa học được hình thành từ năm học 1957-1958, gồm có 3 cán bộ giảng dạy vi sinh, hóa sinh và 1 cán bộ phục vụ. Năm học 1959-1960 tổ được bổ sung thêm 6 cán bộ giảng dạy và trở thành Bộ môn Kỹ thuật thực phẩm, đảm nhiệm việc đào tạo Kỹ sư Công nghệ thực phẩm duy nhất ở Việt Nam thời bấy giờ.

Năm 1967, Phân hiệu Đại học Công nghiệp nhẹ được thành lập và Bộ môn Kỹ thuật thực phẩm trở thành Khoa Kỹ thuật thực phẩm của Phân hiệu này và là cơ sở đào tạo đại học hàng đầu ngành công nghệ thực phẩm của nước ta từ đó cho đến nay. Khoa Kỹ thuật thực phẩm gồm Bộ môn Vi sinh-Hóa sinh, Bộ môn Đồ hộp lạnh thực phẩm, Bộ môn Công nghiệp lên men, Bộ môn Đường – Lương thực, Bộ môn cây nhiệt đới.

Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, Khoa Kỹ thuật thực phẩm đã chi viện nhân lực bao gồm các thầy cô có trình độ chuyên môn và giáo trình cho 2 Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh để làm nòng cốt cho đào tạo kỹ sư công nghệ thực phẩm của miền Trung và miền Nam.

Năm 1977 Phân hiệu Đại học Công nghiệp nhẹ sát nhập lại vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khoa Kỹ thuật thực phẩm trở thành một khoa của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 1986 Khoa Công nghệ Thực phẩm được tách ra và hình thành 2 đơn vị độc lập là Khoa Công nghệ thực phẩm và Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học. Khoa Công nghệ thực phẩm bao gồm Bộ môn Thực phẩm chung, Bộ môn Đường – Lương thực, Bộ môn Công nghệ các sản phẩm lên men, Bộ môn Công nghệ các sản phẩm cây nhiệt đới và Bộ môn Máy thực phẩm.

Năm 1996 Khoa Công nghệ Thực phẩm sát nhập với Khoa Công nghệ Hóa học để hình thành Khoa Công nghệ hóa học, thực phẩm và sinh học. Các bộ môn đào tạo và nghiên cứu của ngành thực phẩm gồm có Bộ môn Công nghệ Lương thực – Thực phẩm, Bộ môn Công nghệ sinh học thực phẩm, Bộ môn Công nghệ thực phẩm nhiệt đới.

Năm 1999, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm được thành lập từ trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ môn Công nghệ thực phẩm – Công nghệ Sau thu hoạch, Bộ môn Công nghệ sinh học thực phẩm, Bộ môn Công nghệ thực phẩm nhiệt đới, Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học và Bộ môn Máy thực phẩm.

Năm 2010, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm tiến hành tái cơ cấu Viện để đáp ứng yêu cầu hoạt động của Viện trong tình hình mới. Bộ môn Công nghệ thực phẩm được hình thành trên cơ sở sát nhập Bộ môn Công nghệ thực phẩm – Công nghệ sau thu hoạch, Bộ môn Công nghệ các sản phẩm lên men và một phần của Bộ môn Quản lý chất lượng và thực phẩm nhiệt đới.

Giới thiệu chung

Bộ môn Công nghệ thực phẩm được thành lập từ tháng 10 năm 2010 trên cơ sở sát nhập 2 Bộ môn Công nghệ thực phẩm – Công nghệ sau thu hoạch và Bộ môn Công nghệ lên men trực thuộc Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ của Bộ môn Công nghệ thực phẩm có 12 thành viên bao gồm 6 Phó giáo sư – Tiến sĩ, 5 Tiến sĩ và 1 Thạc sĩ. Đây là các giảng viên và cán bộ được đào tạo bài bản trong nước, và tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Nga, Pháp, Australia và có trình độ chuyên môn cao. Bộ môn Công nghệ thực phẩm là một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tin cậy hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.