Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Thực phẩm

Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Thực phẩm

1. Số lượng sinh viên

Năm tuyển sinh Khóa Số lượng tuyển sinh
2017 K62 216
2018 K63 208
2019 K64 200
2020 K65 211
2021 K66 200
2022 K67 199

Mã tuyển sinh: BF2, BF2x, BF2y
Thống kê sinh viên đã tốt nghiệp trong 5 năm gần nhất:

  • 1,3% SV tốt nghiệp loại xuất sắc;
  • 35.3% SV tốt nghiệp loại giỏi;
  • 63.4% SV tốt nghiệp loại khá;
  • 4.78 là số năm trung bình để sinh viên tốt nghiệp Kỹ sư KTTP (thời gian đào tạo chuẩn là 5 năm);
  • > 90% SV có việc làm ổn định trong thời gian 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

2. Mã ngành đào tạo: 7540102

3. Khung chương trình đào tạo

Khung Chương trình đào tạo Kỹ thuật thực phẩm bao gồm: khối kiến thức cơ bản, khối kiến thức cơ sở cốt lõi ngành, khối kiến thức tự chọn theo định hướng chuyên ngành, và các khối kiến thức theo chương trình kỹ sư, tích hợp cử nhân – thạc sĩ.

Chi tiết khung chương trình đào tạo:

4. Mô tả chương trình đào tạo

Viện CNSH & CNTP, trường đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên xây dựng và đi đầu trong đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật thực phẩm, tư vấn xây dựng chương trình đào tạo và đào tạo đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm cho các trường đại học khác. Bắt đầu tuyển sinh từ những ngày đầu thành lập trường (năm 1956) cho tới nay, Viện CNSH-CNTP đã và đang đào tạo 65 khóa kỹ sư Công nghệ thực phẩm (CNTP) và Kỹ thuật thực phẩm (KTTP). Các kỹ sư đã tốt nghiệp hiện đang làm việc và giữ trọng trách trong các trường đại học, viện nghiên cứu; là cán bộ quản lý công nghệ, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp công ty; là kỹ sư chủ chốt trong vận hành dây chuyền, hệ thống thiết bị trong sản xuất; là chuyên gia trong nghiên cứu & phát triển các sản phẩm cũng như một số lĩnh vực khác liên quan đến công nghiệp thực phẩm.


Sinh viên được học tập và thực hành trên Hệ thống thiết bị hiện đại và đồng bộ

Chương trình đào tạo Kỹ thuật thực phẩm cung cấp phối hợp các mảng kiến thức cốt lõi về nguyên vật liệu hóa sinh và các đặc trưng của chúng giúp cho tạo lập các sản phẩm thực phẩm, về Kỹ thuật quá trình kết hợp với kiến thức về thiết lập và quản trị hệ thống công nghệ. Sinh viên theo học chương trình Kỹ thuật thực phẩm được đào tạo chuyên sâu theo ba chuyên ngành sau:

  • Công nghệ thực phẩm;
  • Quản lý chất lượng;
  • Quá trình thiết bị CNTP.

4.1. Chuyên ngành Công nghệ thực phẩm

Chuyên ngành Công nghệ thực phẩm (CNTP) tập trung cung cấp kiến thức về khoa học thực phẩm và kỹ thuật quá trình và thiết bị trong công nghệ sau thu hoạch, công nghệ bảo quản và chế biến thực phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm… với mục tiêu cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng khoa học thực phẩm cho sản xuất các sản phẩm thực phẩm.

Sinh viên theo học chuyên ngành CNTP sẽ được trang bị kiến thức cũng như kỹ năng phân tích và phát triển các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để giải quyết tổng thể các vấn đề của ngành công nghiệp thực phẩm. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTP đều có thể làm việc và phát huy năng lực và khả năng trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, sản xuất và phát triển sản phẩm thực phẩm và các lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp thực phẩm.


Sinh viên thực hành Công nghệ thực phẩm

4.2. Chuyên ngành Quản lý Chất lượng

Kiểm soát một cách hệ thống quy trình sản xuất và quá trình công nghệ nhằm đảm bảo cam kết về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng hiện là yêu cầu bắt buộc với mọi doanh nghiệp và đặc biệt bức thiết đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhạy cảm như sản phẩm thực phẩm, sinh học. Các hệ thống quản lý chất lượng tạo ra các chuẩn chung, cho phép quản lý chất lượng không chỉ của sản phẩm cuối cùng, mà còn của cả hệ thống sản xuất từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và trong qúa trình tiêu thụ. Việc kiểm soát chất lượng theo hệ thống một mặt tạo niềm tin về cam kết chất lượng ổn định của doanh nghiệp đối với khách hàng và mặt khác, quan trọng hơn, cho phép doanh nghiệp nâng cao năng suất và hạn chế rủi ro nhờ can thiệp kịp thời và trực tiếp vào từng khâu của quá trình sản xuất.

Đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất và quản lý, các môn học về Quản lý chất lượng sản phẩm đã được đưa vào chương trình đào tạo Kỹ thuật thực phẩm
Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý chất lượng (QLCL) được thiết lập và chính thức đưa vào đào tạo theo hệ thống văn bằng tại trường Đại học Bách khoa Hà nội từ năm 2009.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành QLCL có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu, có khả năng làm việc tại vị trí QC&QA (Quản lý và Đảm bảo chất lượng) trong các nhà máy sản xuất và chế biến sản phẩm thực phẩm hoặc với vai trò tư vấn hệ thống chất lượng của các công ty tư vấn, quản lý chất lượng.


Sinh viên luôn được chú trọng trong đào tạo thực hành

4.3. Chuyên ngành Quá trình-Thiết bị

Trên nền tảng các kiến thức cơ sở về công nghệ thực phẩm, sinh viên Chuyên ngành Quá trình – thiết bị CNTP (QTTB-CNTP) được trang bị chuyên sâu về tính toán các quá trình, thiết kế các thiết bị trong truyền nhiệt, chuyển khối, hệ cơ khí, hệ thống lạnh, ứng dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm – sinh học. Ngoài ra sinh viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng và thực hành tích hợp hệ thống đo lường & điều khiển tự động, điều khiển quá trình, hệ thống điều khiển giám sát xử lý dữ liệu (SCADA), ứng dụng trong các dây chuyền sản xuất sản xuất, chế biến thực phẩm.

Sinh viên theo học chuyên ngành QTTB-CNTP có khả năng thiết kế các dây chuyền thiết bị sản xuất thực phẩm, quản lý dây chuyền sản xuất tự động hóa tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như một số lĩnh vực sản xuất khác. Sinh viên cũng có nhiều cơ hội học tập nâng cao, làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh, trường đại học hay các Viện nghiên cứu về Máy và thiết bị.

5. Cơ hội học bổng dành cho sinh viên

  • Học bổng theo quy định của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội;
  • Học bổng khuyến học dành cho sinh viên vượt khó và sinh viên giỏi của các công ty và cựu sinh viên/giảng viên của viện;
  • Học bổng trao đổi/đào tạo sinh viên đại học và sau đại học với các trường và doanh nghiệp đối tác;
  • Học bổng và giải thưởng dành cho sinh viên nghiên cứu khoa học;
  • Học bổng đạo tạo sau đại học (Thạc sỹ, tiến sỹ).

6. Nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa

  • Cơ hội tham gia NCKH ngay từ năm thứ 3;
  • Cơ hội tham gia & tham gia tổ chức các hoạt động phong trào sinh viên từ Liên chi đoàn, Liên chi Hội SV Viện CNSH & CNTP;
  • Cơ hội tham gia các CLB SV Viện như CLB FOBIC, CLB Tiếng Anh;
  • Cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường, các Phòng/ban, các CLB trong trường tổ chức;
  • Cơ hội giao lưu các doanh nghiệp
  • Và nhiều hoạt động ngoại khóa khác.


Sinh viên tham gia Nghiên cứu khoa học và tham dự các Hội nghị NCKH Sinh viên


Sinh viên thăm quan các doanh nghiệp.