Food2CiVN 2020 – Hội thảo khoa học Hệ thống thực phẩm cho đô thị Việt Nam

Food2CiVN 2020 – Hội thảo khoa học Hệ thống thực phẩm cho đô thị Việt Nam

Ngày 30/10/2020, hội thảo khoa học Hệ thống thực phẩm cho đô thị Việt Nam (Food2CiVN) đã được đồng tổ chức bởi Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Học viện AgroSup Dijon (Đại học Bourgogne – Pháp – UBFC ) và Tổ chức Hợp tác nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD) trong khuôn khổ một hợp tác khoa học giữa Pháp và Việt nam. Hội thảo đã được tổ chức và diễn ra song song theo 2 hình thức: offline tại phòng 702, thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và online trên nền tảng MS Teams.

Với chủ đề “Tổng kết các thông tin, xu thế của hệ thống sản xuất & phân phối thực phẩm đương đại, ứng dụng công nghệ sản xuất chế biến”, cùng sự tham gia của các chuyên gia Pháp và Việt Nam, hội thảo đưa ra các nội dung chính như sau:

  • Tổ chức sản xuất nông sản
  • Thói quen chế biến thực phẩm ở quy mô hộ kinh doanh (giết mổ, lên men, tạo màu, etc.),
  • Hệ thống phân phối thực phẩm đương đại: chợ, chợ cóc, bán rong, siêu thị, bếp ăn tập thể,
  • Thói quen người tiêu dùng, tập quán tiêu dùng, cung cấp khả năng truy xuất & truy xuất nguồn gốc thực phẩm,
  • Quản lý thực phẩm và rủi ro liên quan thực trạng xã hội (môi trường, sức khỏe và bệnh tật),
  • Đa dạng hóa và phát triển sản phẩm mới.

Hội thảo đã thu hút gần 150 người đến từ 19 đơn vị từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp ở cả 2 hình thức online và offline. Hội thảo được đón tiếp các vị đại biểu:

Đại diện các tổ chức quốc tế:

  • Ông Nguyễn Song Hà, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO)
  • Bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT)

Đại diện các trường đại học và viện nghiên cứu:

  • PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • GS.TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
  • PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực – Thực phẩm Việt Nam (VAFoST)
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Trâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực – Thực phẩm Việt Nam (VAFoST)
  • Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI)
  • Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Chính sách và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Thương mại, Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Wageningen, Trường Đại học Y tế công cộng, Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Học viện Bưu chính Viễn thông và trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Đại diện doanh nghiệp:

  • Vinmart+, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, Hợp tác xã Nông nghiệp số, Công ty TNHH Hưng Thịnh, Hệ thống cửa hàng Bác Tôm

Ban tổ chức Hội thảo:

  • PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • PGS.TS. Phạm Hải Vũ, Học viện AgroSup Dijon (Đại học Bourgogne – Pháp – UBFC)
  • TS. Michael Bruckert – Đại diện Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD)
  • PGS.TS. Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội


Các đại biểu tham gia Hội thảo Food2CiVN tại Đại học Bách Khoa Hà Nội

Hội thảo khoa học Hệ thống thực phẩm cho đô thị Việt Nam

Tại lễ khai mạc, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBKHN và TS. Michael Bruckert – Đại diện Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD) phát biểu khai mạc hội thảo, đồng thời gửi lời chào đón nồng nhiệt nhất đối với các đại diện và chúc hội thảo khoa học đạt được kết quả đáng mong đợi. Cũng như đưa ra mục tiêu của hội thảo là giải mã “bí ẩn” về nguồn cung rau xanh tại Việt Nam (đặc biệt trên địa bàn Hà Nội) bằng các phương pháp phân tích dữ liệu (cơ sở dữ liệu GSO, VHLSS), phỏng vấn các bên liên quan trong chuỗi thức ăn, ngoại suy, dựa trên dữ liệu và hiểu biết định tính về hệ thống cùng các phương pháp tổng hợp và sáng tạo khác.


PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính phát biểu khai mạc hội thảo


TS Michael Bruckert – Đại diện Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD) phát biểu chào mừng hội thảo

PGS. Phạm Hải Vũ (UBFC) tham gia Hội thảo online từ Dijon, CH Pháp

Nội dung chính của phiên thảo luận buổi sáng là Biểu đồ các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Mở đầu hội thảo, qua MS Teams, PGS. Phạm Hải Vũ (UBFC) đã có những phân tích về ý nghĩa của việc xây dựng sơ đồ hệ thống cung ứng từ các nguồn dữ liệu khác nhau, như dữ liệu sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Qua đó rút ra bức tranh tổng quát về cấu trúc các chuỗi, và tầm quan trọng của mỗi kênh phân phối (truyền thống, hiện đại, không chính thống) trong hệ thống đối với thành phố Hà Nội, khu vực nội thành.

Tiếp đó là phần trình bày của ông Hoàng Minh Huy (IPSARD) về mua sắm, sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam, dựa trên kết quả phân tích GSO về sản lượng sản xuất, diện tích trồng trọt của các tỉnh phía Bắc và lượng tiêu thụ bình quân đầu người tại các thành phố như Hà Nội, Huế và trên cả nước trong khoảng từ 2012 – 2017.


Ông Hoàng Minh Huy (IPSARD) trình bày báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo “Kết quả cuộc khảo sát định hướng về bán buôn và bán lẻ rau củ quả tại các chợ trong thành phố Hà Nội” của PGS. Phạm Hải Vũ (UBFC) và Thạc sỹ Lê Như Thịnh (FAVRI).

Tiếp đó, Thạc sỹ Nguyễn Thị Sáu cũng đã đưa ra ý kiến thảo luận về “Cuộc cách mạng nguồn cung rau củ của siêu thị và các cửa hàng đồ ăn sạch trong 24 năm qua”. Để giới thiệu cụ thể hơn về các nguồn cung cấp rau củ, bà đã cung cấp “Biểu đồ sự phát triển của các cửa hàng rau sạch và siêu thị tại Hà Nội” nhằm đưa đến cái nhìn thực tế nhất về sự phát triển trong 24 năm qua.


Bà Nguyễn Thị Sáu, Viện Nghiên cứu Rau Quả trình bày báo cáo tại Hội thảo

Thay mặt cho các đại biểu tham dự hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tân Lộc (FAVRI) trả lời các câu hỏi trong phiên thảo luận đặc biệt là về vấn đề bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó qua MS Teams ông Quentin Le Loarer (CCCE) đưa ra ý kiến của mình về “Vai trò của nguồn cung thực phẩm không chính thống trong hệ thống thực phẩm” bằng những thống kê khảo sát, hình ảnh, video về hoạt động chợ cóc, chợ vỉa hè tại Hà Nội, đặc biệt là các hình thức bán hàng rong & bán dạo, hay bán lẻ tại các ngõ ngách mà hiện chưa có nhiều nghiên cứu khoa học cụ thể. Nghiên cứu này khai thác dữ liệu GPS do nhóm tác giả thu thập trên toàn bộ đường phố khu vực nội thành Hà nội, cùng với khảo sát thực tế những đối tượng người bán khác nhau.

Kết quả tổng hợp của toàn nhóm nghiên cứu là biểu đồ hệ thống sản xuất và phân phối rau xanh của thành phố Hà nội. Đây là lần đầu tiên hệ thống thực phẩm một đô thị Việt nam được vẽ thành sơ đồ từ các khảo sát thực địa từ nhiều nguồn và mảnh ghép khác nhau trong chuỗi thực phẩm, đi cùng với thông tin về nguồn gốc địa phương sản xuất.


Biểu đồ hệ thống sản xuất và phân phối rau xanh của thành phố Hà nội

Tiếp đó, bà Phạm Thị Mai Hương (CIAT) cũng đã trình bày những đánh giá tiêu chuẩn môi trường thực phẩm từ nông thôn đến thành thị tại 3 vùng nghiên cứu: nông thôn, ngoại ô và thành thị. Mục đích của chương trình nghiên cứu là chỉ ra sự khác biệt trong phân bổ không gian địa lý các điểm cung thực phẩm giữa đô thị, ngoại ô và nông thôn; thông qua các tiêu chí và các phương pháp đánh giá được nhóm nghiên cứu xây dựng.


Buổi hội thảo được thực hiện online trên nền tảng MS Teams 

Buổi chiều là các phiên thảo luận về chủ đề “Chế biến và Giám sát lương thực”. Đầu tiên ông Nguyễn Hữu Dũng đến từ Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) trình bày về “Giải pháp cho thực phẩm an toàn ở Việt Nam”.


Ông Nguyễn Hữu Dũng, Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng trình bày báo cáo

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh – Học viện Bưu chính Viễn thông đã trình bày một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề “Ứng dụng công nghệ số để chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nông sản”.


PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh – Học viện Bưu chính Viễn thông trình bày báo cáo

PGS.TS. Vũ Thu Trang – Viện CNSH&CNTP, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đưa ra ý kiến thảo luận về một số vấn đề liên quan đến “Gia tăng giá trị cho trái cây và rau quả thông qua chế biến”. Sau đó, hội nghị bàn tròn được diễn ra với nội dung về “Ý tưởng và đề xuất cho sự hợp tác trong tương lai (mạng lưới, dự án chung) và nâng cao năng lực chế biến thực phẩm và an toàn thực phẩm tại Việt Nam”. Buổi hội thảo kết thúc vào lúc 16h30 cùng ngày.


PGS.TS. Vũ Thu Trang – Viện CNSH&CNTP, Đại học Bách Khoa Hà Nội
PGS.TS Chu Kỳ Sơn (Viện trưởng Viện CNSH & CNTP) tặng quà lưu niệm cho các diễn giả và khách mời

Các đại biểu tham dự hội thảo Food2CiVN

Cuối buổi chiều, PGS.TS. Chu Kỳ SơnPGS.TS. Đào Thế Anh và PGS.TS Phạm Hải Vũ đã đồng chủ trì phiên Thảo luận bàn tròn hướng tới mục tiêu duy trì hoạt động của network cũng như phát triển các dự án hơp tác hợp tác liên ngành trong lĩnh vực hệ thống thực phẩm và an toàn thực phẩm với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như FAO, CIAT, CIRAD và AgroSup Dijon, đồng thời hướng tới Hội thảo lần thứ 6 về Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm – QMFS2021 dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2021 nhân dịp kỷ niện 65 năm thành lập Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Hội thảo Food2CiVN 2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp, thực sự là nơi gặp gỡ, kết nối, chia sẻ thông tin và thu hút được sự quan tâm lớn của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các bạn sinh viên. Hội thảo phát huy được hình thức tổ chức phối hợp online và offline để nhiều đại biểu từ các vùng miền trong nước cũng như quốc tế tham gia, là cơ hội để từng đại biểu giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như tích lũy cho bản thân những kiến thức bổ ích thú vị và đã tìm được tiếng nói chung để cùng hợp tác và phát triển.

Thông tin chi tiết vui lòng tham khảo tại trang web chính thức của Hội thảo http://sbft.hust.edu.vn/food2civn/

Ban tổ chức