Ngày 29/7, Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Institut Agro Dijon và Agrocampus-Ouest (CH, Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học cảm quan SPISE (Summer Program in Sensory Evaluation) nhằm thúc đẩy và phát triển ngành khoa học cảm quan và khoa học người tiêu dùng tại châu Á.
Hội thảo quốc tế SPISE 2020+2 diễn ra trong hai ngày 29 và 30/7 tại ĐHBK Hà Nội với sự tham gia của 130 khách mời quốc tế đến từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái lan, Singapore, Indonesia. SPISE gồm một chuỗi các hoạt động bao gồm hai hội thảo đào tạo cho doanh nghiệp và hội thảo khoa học về khoa học cảm quan và người tiêu dùng dành cho các nhà khoa học, những người làm công tác nghiên cứu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ
Sau hai năm dưới tác động thảm khốc của đại dịch COVID-19, SPISE2020 đã bị hủy bỏ và hoãn lại cho đến nay. Vì vậy, năm nay, SPISE2020+2 đã được tổ chức trở lại với chủ đề: Từ khái niệm đến thị trường: Đánh giá cảm quan ở Châu Á.
Đây là lần đầu tiên SPISE được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kể từ hội thảo đầu tiên được tổ chức vào năm 2007, sứ mệnh của SPISE là thúc đẩy khoa học về giác quan và tiêu dùng ở Châu Á. SPISE tạo cơ hội cho các chuyên gia cảm quan và các nhà khoa học thực phẩm gặp gỡ, trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực khoa học cảm quan và các lĩnh vực liên quan khác.
Hội thảo SPISE kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm cơ bản và nghiên cứu thương mại ứng dụng với mục tiêu là mô tả, phân biệt và phát triển sản phẩm, đồng thời đánh giá tác động của những sản phẩm đó đối với người tiêu dùng. Hội thảo chuyên đề hôm nay cho thấy sự hợp tác mạnh mẽ liên ngành để giải quyết vấn đề nghiên cứu và phát triển sản phẩm và đảm bảo chất lượng theo định hướng người tiêu dùng.
Hội thảo SPISE 2020+2 với 11 chủ đề chính: Mối quan hệ giữa sản phẩm, người tiêu dùng và bối cảnh xã hội; Ứng dụng đánh giá cảm quan trong ngành công nghiệp thực phẩm/phát triển sản phẩm; Phương pháp phân tích cảm quan và nghiên cứu người tiêu dùng; Thống kê ứng dụng trong phân tích cảm quan; Phát triển thực phẩm bền vững; Những tiến bộ trong phương pháp luận về cảm quan và người tiêu dùng; Các chiến lược cảm quan trong tiếp thị thực phẩm; Các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sự lựa chọn thực phẩm; Đa văn hóa trong phân tích cảm quan và nghiên cứu người tiêu dung; Đo lường trải nghiệm sản phẩm và cảm xúc; Cảm nhận dưới tác động của Covid-19.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội phát biểu tại Hội thảo ngày 29/7. Ảnh: Duy Thành
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh vai trò của việc hưởng ứng các hội thảo quốc tế trong nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của Nhà trường.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam nêu rõ khoa học sức khỏe là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, việc xây dựng hệ thống chế biến thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
“An toàn thực phẩm toàn diện đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên liên quan bao gồm cả các trường đại học” PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định. Hiệu trưởng Nhà trường tin rằng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chung tay với các trường đại học đối tác, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, các bên liên quan của chính phủ và nhiều đơn vị khác để thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ thực phẩm vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Trong ngành thực phẩm, Đánh giá cảm quan vẫn còn là một khái niệm mới đối với Việt Nam nhưng đã và đang được chú ý trong những năm gần đây. Do đó, “hội thảo ngày hôm nay cho thấy cam kết mạnh mẽ của Bách khoa Hà Nội trong việc giải quyết một lĩnh vực nghiên cứu sản phẩm thiết yếu theo định hướng người tiêu dùng và thúc đẩy đảm bảo chất lượng tốt hơn”, theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng.
Diễn đàn bổ ích cho các nhà khoa học cảm quan
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo SPISE 2020+2, Hội nghị bàn tròn giữa các doanh nghiệp, các nhà khoa học và quản lý được tổ chức để thảo luận về các vấn đề liên quan trong lĩnh vực đánh giá cảm quan, thị hiếu người tiêu dùng, nghiên cứu phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng nhằm thu hẹp khoảng cách và đẩy mạnh kết nối, hợp tác giữa Doanh nghiệp và Trường đại học, Viện nghiên cứu.
Với mục đích thúc đẩy và phát triển khoa học cảm quan ở Đông Nam Á, hội thảo tạo cơ hội cho các nhà khoa học trình bày các dự án, công trình mới nhất của họ trong nghiên cứu về giác quan và người tiêu dùng thực phẩm nhằm giải quyết một vấn đề quan trọng trong khoa học cảm quan: Làm thế nào để tích hợp sự khác biệt giữa các cá nhân trong đánh giá cảm quan. Sự khác biệt trong đề tài của các cá nhân là chìa khóa để hiểu sâu hơn trải nghiệm của người tiêu dùng và tạo ra các sản phẩm phù hợp với các phân khúc người tiêu dùng cụ thể.
Sirichat Chanadang, một nhà khoa học trẻ từ Thái Lan đến tham dự hội thảo và trình bày về “Ảnh hưởng của quá trình áp suất cao đến chất lượng của nước ép chanh”. Cô cho biết: “Hội thảo SPISE là diễn đàn dành cho tất cả những nhà khoa học có hứng thú với khoa học cảm quan. Đến đây, tôi được gặp gỡ nhiều người chung niềm quan tâm với ngành công nghiệp thực phẩm”.
Tham gia hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả nước ngoài là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học cảm quan, nghiên cứu người tiêu dùng và toán học ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
TS. Danielle Reed tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, trình bày tại Hội thảo ngày 29/7. Ảnh: Duy Thành
Chương trình chính của Hội thảo chuyên ngành SPISE bao gồm 14 báo cáo tại hội trường và 16 báo cáo poster chia thành 3 phân ban: Phân ban 1 với chủ đề sự đa dạng trong cảm nhận mùi vị. Phân ban 2 với Nội dung chính là tìm hiểu việc lựa chọn của người tiêu dùng ở khía cạnh hành vi và nhận thức. Phân ban 3 chuyên về dữ liệu lớn của người tiêu dùng, cách thức thu thập, mô hình hóa và xử lý, trình bày vai trò ngày càng quan trọng của của dữ liệu người tiêu dùng trong phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra Hội thảo còn có một phiên thảo luận ở cuối buổi sáng ngày 30 nhằm làm rõ hơn vai trò cũng như cách thức xây dựng một hệ thống đánh giá cảm quan trong doanh nghiệp F&B.
Trước khi diễn ra Hội thảo khoa học chuyên ngành, SPISE còn bao gồm 2 workshop dành cho doanh nghiệp bao gồm: Hội thảo Công nghiệp: Hiểu sản phẩm từ góc độ người tiêu dùng (25-26/7/2022) và Hội thảo Nâng cao: Thống kê ứng dụng trong đánh giá cảm quan (27-28/7/2022).
Workshop Hiểu sản phẩm từ góc độ người tiêu dùng (25-26/7/2022)
Workshop Thống kê ứng dụng trong đánh giá cảm quan (27-28/7/2022)
Đồng hành cùng Hội nghị SPISE là các doanh nghiệp, nhà tài trợ: Tổng công ty rượu bia Nước giải khát Hà nội (HABECO), Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), Ramec coffee và Mạng lưới cảm quan Việt nam.
Habeco hiện nay là một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống Việt Nam. Những dòng sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu Habeco như Bia hơi Hà Nội, Bia lon Hà Nội, Bia Trúc Bạch, Hanoi Beer Premium… đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng về cả chất lượng và phong cách, chinh phục những người sành bia trong và ngoài nước. Tháng 5/2019, Habeco chính thức ra mắt nhận diện thương hiệu mới với slogan “Sức bật Việt Nam” Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) được tập đoàn Vingroup thành lập ngày 21/08/2018 với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. Quỹ hỗ trợ nghiên cứu, tài trợ cho các dự án và hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo liên quan đến Big Data với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Masan Consumer Holdings là một trong những công ty hàng tiêu dùng nhanh trong nước lớn nhất Việt Nam. Công ty sản xuất và phân phối nhiều loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống, bao gồm nước tương, nước mắm, nước chấm, tương ớt, mì ăn liền, cháo ăn liền, cà phê hòa tan, ngũ cốc ăn liền, đồ uống đóng chai và bia. Công ty đã phát triển danh mục sản phẩm, đội ngũ bán hàng và các kênh phân phối trong nước để thiết lập vị trí hàng đầu trong thị trường sản phẩm thực phẩm và đồ uống có thương hiệu của Việt Nam. |