Sáng nay (2/7/2023), Đại học Bách khoa Hà Nội rộn tiếng nói cười của học sinh và phụ huynh tham gia sự kiện “Gặp để yêu hơn: Gặp gỡ, giao lưu với các giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, tìm hiểu các chương trình đào tạo, trải nghiệm hệ thống PTN của các Trường/Viện… Ngôn ngữ Gen Z hôm nay nói chuyện, bình luận rất vui về Bách khoa: Nếu ví Đại học Bách khoa Hà Nội như người yêu thì chúng em yêu Bách khoa online từ lâu rồi, xem ảnh, xem video cứ nghĩ Bách dùng app! Gặp rồi mới thấy Bách khoa rất thật thà, online thế nào, offline y vậy!
Chưa gặp đã yêu Bách khoa!
Trước ngày diễn ra sự kiện, nhiều học sinh chia sẻ sự háo hức, mong chờ được gặp Bách khoa Hà Nội “ngoài đời thực”. Hóa ra không ít học sinh tìm hiểu thông tin và Đại học Bách khoa rất kỹ, biết được tòa nhà C7 khang trang, hiện đại của Bách khoa Hà Nội mới khánh thành, biết được các ngành mới mở của Nhà trường, nuôi ước mơ học Bách khoa từ khi học THCS… nhưng để tận mắt ngắm Bách khoa thì lại chưa có cơ hội.
Như Đào Mai Khuê, nữ sinh chuyên Sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, mong muốn vào ngành BF-E19 – Kỹ thuật Sinh học CTTT– Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội. Với giải Nhì HSG Quốc gia môn Sinh học, Khuê đạt điều kiện xét tuyển vào Bách khoa. Nhưng để cho “chắc ăn”, Khuê tiếp tục nộp hồ sơ xét tuyển theo điểm SAT.
Khuê chia sẻ: “Quyết định không du học, em tìm hiều Bách khoa Hà Nội từ năm lớp 11. Em thấy Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu chương trình Kỹ thuật Sinh học với nhiều chuyên môn trong lĩnh vực Y dược, ứng dụng tại các bệnh viện. Đây là một hướng phát triển rất tốt vì hiện Y học Việt Nam có nhiều công nghệ mới, tiên tiến.
Em vẫn nhớ niềm vui của em và cả gia đình lúc cập nhật trạng thái trên tài khoản và biết mình đạt điều kiện xét tuyển tài năng vào ngành yêu thích ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Bách khoa là NV1 của em, em “chốt” Bách khoa từ lúc chưa gặp luôn!”
Đào Mai Khuê đã lên kế hoạch sau khi học đại học ở Bách khoa Hà Nội sẽ du học thạc sỹ, sau đấy có thể làm trong Viện Nghiên cứu/các công ty về công nghệ sinh học hoặc quay trở lại Bách khoa, tiếp tục bồi dưỡng kiến thức để trở thành giảng viên.
Còn Trần Quang Hưng, học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang, giải Nhất HSG quốc gia môn Hóa học cũng giống Mai Khuê khi xét tuyển bằng hai hình thức để vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Hưng khá kiệm lời, nhưng khi nói về ấn tượng các thầy cô giáo Bách khoa thì lại rất sôi nổi kể về sự thân thiện, nhiệt tình của các thầy cô em có dịp được trò chuyện.
Trong gia đình, Hưng có các anh/chị họ đang theo học Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử tại Bách khoa Hà Nội, nên cậu được anh chị kể cho nhiều điều về Bách khoa. Câu cậu thường nghe nhiều nhất là: “Học Bách khoa nếu khó thì cái khó đó cũng xứng đáng! Cố gắng lên. Học tốt ra trường có việc làm ngay!” Lời nói đó càng tiếp thêm động lực cho Hưng muốn được chinh phục những kiến thức chuyên ngành, vượt qua các môn đại cương như Đại số, Giải tích…
Hơn 5 giờ sáng nay, Hưng cùng 9 bạn trong lớp đi từ Bắc Giang lên Hà Nội để trải nghiệm Bách khoa. Suốt chặng đường đi, Hưng cứ nghĩ đến tương lai học Bách khoa Hà Nội mà mỉm cười vui sướng.
Gặp Bách khoa rồi, càng thấy yêu hơn!
Để các học sinh và phụ huynh đến Bách khoa có một buổi trải nghiệm trọn vẹn, cả Trường Hóa và Khoa học Sự sống nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội đã dày công lên kịch bản chương trình rất công phu, mang màu sắc riêng của đơn vị: Các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của giảng viên, CSV cả học sinh tham quan góp vui; những mini games hấp dẫn, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, giảng viên cũng hòa mình vui chơi nhiệt tình; các chuyến tham quan hệ thống PTN, những trải nghiệm làm sản phẩm… gây ấn tượng mạnh với những vị khách đặc biệt.
Một số hình ảnh ghi lại từ sự kiện
Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Thủy đạt điều kiện xét tuyển ngành CH1 Kỹ thuật Hóa học – Trường Hóa và Khoa học sự sống