Tổng hợp hỏi/đáp tư vấn tuyển sinh 2021

Tổng hợp hỏi/đáp tư vấn tuyển sinh 2021

Câu hỏi về CT KTTP
1. Học KTTP chương trình thường và tự học tiếng anh thì có cơ hội được du học, trao đổi với nước ngoài không ạ?
Cô Hồ Phú Hà, Trưởng bộ môn CNTP:
– Cơ hội đi du học hoàn toàn bình đẳng. Nếu em chú trọng tới Tiếng Anh ngay từ đầu, và có nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng thì em sẽ dễ dàng có cơ hội đi du học hơn nhé.

2. Cho em hỏi KTTP học trong năm 4,5 năm thì bọn em có cơ hội được doanh nghiệp, công ty tuyển dụng ngay tại trường luôn không ạ?
Sinh viên các chuyên ngành của Viện (cả KTTP và KTSH) đều có cơ hội được tuyển dụng ngay tại trường từ trước khi có bằng tốt nghiệp. Việc tuyển dụng này thường diễn ra khi các đơn vị có nhu cầu nhân sự gửi thông tin về Viện, khi đó Viện sẽ chuyển thông tin đến Sinh viên để các em dự tuyển. Ngoài ra, hàng năm Viện đều tổ chức ngày hội viêc làm Jobfair với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm – sinh học, trong sự kiện này đều có các bàn phỏng vấn của doanh nghiệp để tuyển dụng sinh viên.

3. Sinh viên khi đỗ vào ngành KTTP sẽ được xếp lớp như thế nào ạ? Sinh viên có được tự chọn chuyên ngành trước hay là học xong đại cương 2 năm rồi mới chọn ạ? Việc chọn chuyên ngành dựa trên cơ sở nào ạ?

Cô Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Viện trưởng:
Trường sẽ xếp lớp cho các em. Việc chọn định hướng chuyên ngành trong chương trình của Viện mình rất đơn giản, dựa vào khối các môn học mà em chọn, hệ thống sẽ tự phân loại em theo học định hướng gì mà ko cần phải đăng ký. Ngoài ra thì hình thức đào tạo theo tín chỉ, nên không có chia lớp như niên chế.

Câu hỏi về CT KTSH
1. Em nghe nói ngành kỹ thuật sinh học khó kiếm việc làm và đa số làm phòng thí nghiệm. Em muốn hỏi ngành KTSH có thể làm các công việc nào khác được không và cơ hội việc làm của ngành này như thế nào ạ?
Thầy Trương Quốc Phong, Phó Viện trưởng:
– Theo thầy thì nghề nào cũng tốt, mấu chốt là mình có quyết tâm hay không. Sau khi tốt nghiệp, thứ nhất các em có thể làm cho các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, sở. Thứ hai, có thể làm việc tại các cơ sở nghiên cứu; giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH, các cơ sở giáo dục. Thứ ba, là các em có thể làm trong các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học hoặc các doanh nghiệp cần chuyên môn về Công nghệ Sinh học. Thứ 4, làm việc tại các tổ chức trong nước và quốc tế. Thứ năm, một mảng được đánh giá rất cao, đó là khởi nghiệp. Hiện nay nhà nước đề cao và ưu tiên cho lực lượng nghiên cứu khoa học, vậy nên ngành KTSH rất có tiềm năng trong tương lai. Ví dụ, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, ngành KTSH trực tiếp nghiên cứu phát triển các sản phẩm chẩn đoán , vaccine,.. Ngoài ra, KTSH có thể làm trong nhiều lĩnh vực khác như định hướng đào tạo của chúng ta liên quan đến môi trường, thực phẩm, công nghiệp, y dược.

2. Thầy cô có thể giới thiệu cho em những công ty, tổ chức đang nghiên cứu về KTSH ngành Y Dược không ạ?
Thầy Trương Quốc Phong, Phó Viện trưởng:
– Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp liên quan tới thiết bị, công nghệ xét nghiệm. Thứ hai là các công ty về sản xuất vaccine, sản phẩm chẩn đoán đang phát triển và thu hút rất nhiều nhân lực. Ví dụ là Tập đoàn Vingroup xây dựng nhà máy để chuyển giao công nghệ vaccine từ Mỹ về và đang tìm kiếm nhiều cán bộ nghiên cứu; Công ty Bimedtech; Công ty Medicon chuyên về sản xuất sinh phẩm chẩn đoán. Ngoài ra trong thành phố HCM có công ty Nanogen. Và còn rất nhiều công ty khác nữa có liên kết với Viện. các em có thể lên trang web của Viện để tìm thêm thông tin.

3. Khi nào thì Viện mình có chương trình tiên tiến của ngành KTSH ạ?
Thầy Trương Quốc Phong, Phó Viện trưởng:
– Viện đang xây dựng chương trình, và hy vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ có một chương trình đào tạo liên ngành mang màu sắc của ĐHBKHN.

4. Em muốn hỏi về chương trình học của ngành KTSH (các môn học, giảng viên,..). Ngành này có chương trình chuyển tiếp qua các nước Châu Âu không ạ? Ngành KTSH có các suất du học Nhật Bản sau đại học không ạ? Nếu có thì mong thầy cô tư vấn rõ giúp em ạ?
Thầy Trương Quốc Phong, Phó Viện trưởng:
– Về chương trình học, em có thể tham khảo đầy đủ thông tin tại website Viện https://sbft.hust.edu.vn/vi/news/category/39-chuong-trinh-dao-tao-ky-thuat-sinh-hoc.html
Về chương trình chuyển tiếp thì sau khi học đại học xong, em có rất nhiều cơ hội học tiếp lên, ngay tại ĐHBKHN cũng có chương trình học tiếp lên thạc sỹ, tiến sỹ rất chất lượng. Đặc biệt ngành KTSH của Viện có liên kết chương trình học song bằng với trường ĐH Công nghệ Nagaoka của Nhật Bản. Còn đối với Châu Âu thì hiện nay chúng ta chưa có chương trình liên kết trực tiếp, tuy nhiên có rất nhiều cơ hội cho các em sau khi học xong đại học tại BKHN có thể apply vào các trường Châu Âu vì chương trình học của chúng ta hoàn toàn đáp ứng.
Hiện nay Viện đang có chương trình đào tạo song bằng Thạc sĩ KTSH với ĐH Công nghệ Nagaoka nên các em sẽ có cơ hội để tiếp tục theo học Thạc sĩ tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.

5. Ngành kỹ thuật sinh học nếu học chương trình cử nhân 4 năm đã có thể làm đc mảng thuộc về công nghệ sinh học chưa ạ?
​​​Cô Nguyễn Lan Hương, Trưởng Bộ môn CNSH:
– Một trong những đặc trưng của Bách khoa đó là kỹ thuật. Kỹ thuật Sinh học có nghĩa là em sẽ được học về cả kỹ thuật và cả sinh học. Sau khi tốt nghiệp, em hoàn toàn làm được trong cả phòng nghiên cứu và cả nhà máy sản xuất bởi vì mình có kiến thức về kỹ thuật như đọc bản vẽ, về máy, về thiết kế. Với kiến thức nền của cử nhân thì hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của ngành Công nghệ Sinh học.

6. Những nơi mà sinh viên KTSH có thể thực tập là đâu ạ?
Thầy Trương Quốc Phong, Phó Viện trưởng:
Các em có thể đến tực tập tại các Viện nghiên cứu, nhà máy, doanh nghiệp như: nhà máy sản xuất chế phẩm vi sinh, nhà máy sản xuất vắc xin, nhà máy chế biến thực phẩm,…
Câu hỏi về Elitech KTTP
1. CTTT KTTP và chương trình thường có sự khác nhau về cơ hội việc làm không ạ?
Cô Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Viện trưởng:
– Về cơ hội việc làm thì 2 chương trình này hoàn toàn là như nhau. Tuy nhiên, CTTT có một ưu điểm, đó là các em sẽ có cho mình một nền tảng tiếng anh vững chắc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một lợi thế trước xu hướng thế giới hội nhập, doanh nghiệp nước ngoài tìm nhân lực ở việt nam rất nhiều.

2.Em muốn hỏi về cơ hội du học và thực tập của CTTT KTTP ạ. Sinh viên theo học CT này có được đi thực tập ở các tập đoàn đa quốc gia không ạ? Nếu có thì khi nào có thể đi ạ?
Cô Hồ Phú Hà, Trưởng bộ môn CNTP:
– Sinh viên hoàn toàn có thể đi thực tập tại các công ty đa quốc gia. Bình thường, sinh viên sẽ có 3 đợt đi thực tập, tham quan nhà máy chính. Đợt 1 là buổi Nhập môn, các bạn sẽ được đi nhà máy, các công ty lớn như Acecook, Ajinomoto,…Mỗi năm thầy cô đều có các liên hệ để các bạn được đi tham quan. Sau đó là 2 kỳ thực tập nữa. Ngoài ra thì CLB trong Viện có nhiều chương trình để các bạn trải nghiệm và thực hành.

3. CT tiên tiến Kĩ thuật thực phẩm trong năm nhất dạy bằng tiếng việt hay tiếng anh ạ, hay khi nào học vào chuyên môn thì nhà trường mới dạy bằng tiếng anh ạ
Cô Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Viện trưởng:
– Các môn đại cương sẽ được dạy bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh (tùy theo đặc thù môn học và theo kế hoạch của Nhà trường) còn các môn chuyên ngành thì 100% giảng dạy bằng tiếng Anh

4.Chương trình Elitech là học 4 năm cử nhân sau đó học thêm 1,5 năm nữa mới thành được kĩ sư phải không ạ?
Cô Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Viện trưởng:
– Đúng rồi em ạ. Lưu ý 1,5 năm sau là học cùng đại trà nhé!

5. Cho em hỏi về thông tin chi tiết của chương trình tiên tiến Kỹ thuật Thực phẩm và cơ hội du học cũng như học lên cao của ngành này ạ
Chào em, thông tin chi tiết về chương trình này có tại website của Viện tại đây.

Câu hỏi khác
1. Mã ngành BF2 và BF-E12 vẫn chưa cập nhật bổ sung khối D07 trên hệ thống đăng ký thử nguyện vọng.
– Chào em, hiện tại hệ thống đang chạy thử nên có thể chưa chọn được D07, chắc chắn khi hệ thống mở chính thức thì các em lựa chọn được bình thường nhé !

2. Dạ thầy có thể giới thiệu một số câu lạc bộ hay các cuộc thi về nghiên cứu của sinh viên Viện CNSH CNTP đc ko ạ?
Thầy Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Bí thư LCĐ Viện CNSH-CNTP:
– Viện có hội nghị SV NCKH hàng năm dành cho các bạn sinh viên. Về các câu lạc bộ, em có thể tham gia CLB Fobic, CLB tiếng Anh chuyên ngành, SV tình nguyện hoặc Liên chi Đoàn. Thông tin thêm và chi tiết về các hoạt động này của SV có trên website của Viện https://sbft.hust.edu.vn/vi/news/category/11-sinh-vien.html

3. Khi ôn thi và học em chỉ thiên về khối A nên rất kém môn Sinh học. Em muốn hỏi: môn sinh ở Viện có khó với người bắt đầu lại như em không ạ ?
Thầy Nguyễn Trường Giang, Phó trưởng Bộ môn CNSH:
– Em hoàn toàn có thể học được. Bên cạnh sự cố gắng từ bản thân em thì còn có đội ngũ thầy cô giáo trong Viện và các bạn xung quanh luôn sẵn sàng giúp đỡ em nên điều đó không có vấn đề gì cả.