Ứng dụng Blockchain để nâng cao uy tín và giá trị xuất khẩu cho hạt tiêu Việt Nam

Ứng dụng Blockchain để nâng cao uy tín và giá trị xuất khẩu cho hạt tiêu Việt Nam

Đưa sản phẩm tiêu Việt Nam vào thị trường thế giới 

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất trên thế giới và giữ vị trí này gần 20 năm nay (Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019 cả nước xuất khẩu 267.309 tấn hạt tiêu (chiếm khoảng 60% thị trường hạt tiêu thế giới), tương đương 674,27 triệu USD, giá trung bình 2.522,4 USD/tấn, tăng 21,3% về lượng nhưng giảm 6,2% về kim ngạch và giảm 22,7% về giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong các sản phẩm hạt tiêu xuất khẩu thì hạt tiêu đen chiếm trên 85% sản lượng, còn lại là hạt tiêu trắng (tiêu sọ) và tiêu đỏ.

Tiêu là một trong những sản phẩm nông sản đóng góp kim ngạch xuất khẩu quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất khẩu tiêu chủ yếu hiện nay của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông… Tổng diện tích canh tác hồ tiêu là 145.000 ha, chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Quảng Trị, Kiên Giang (Phú Quốc). Việt Nam có một số loại giống tiêu cơ bản là Vĩnh Linh, tiêu sẻ, tiêu Ấn Độ. Ngoài ra, còn có một số giống tiêu khác được trồng với diện tích nhỏ như Phú Quốc, tiêu Trâu… Đã có một số địa phương đã được cấp chứng chỉ địa lý về tiêu như Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Những kết quả trên cho thấy, tiêu là một trong những sản phẩm tiềm năng và có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thông qua các Hiệp định tự do thương mai như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), các hiệp định thương mại song phương…

Tuy nhiên, ngành tiêu Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức rất lớn: đó là sự phát triển ngành sản xuất hạt tiêu tại các quốc gia mới nổi sau này: Brazil, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc. Các nước này đã bước đầu thiết lập các hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu để xuất vào các thị trường truyền thống của Việt Nam và đã chiếm ưu thế trước tiêu Việt Nam về chất lượng và giá. Cùng với sự cạnh tranh của các nước sản xuất hạt tiêu nói trên, ngành tiêu của Việt Nam vẫn đang tồn tại những vấn đề bức thiết khiến nó không thể phát huy hết lợi thế và khai thác được tiềm năng đang có.

Trong khi đó, chất lượng hạt tiêu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Do đó, năng lực cạnh tranh của hạt tiêu Việt Nam kém hơn so với hạt tiêu của các nước khác trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân của việc này là do công tác kiểm soát và quản lý chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng, từ quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến và bảo quản, tiêu thụ. Toàn bộ quy trình công nghệ canh tác và chế biến tiêu chưa được chuẩn hóa. Đặc biệt, hiện nay, ngành tiêu của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác thực nguồn gốc một cách hiệu quả, mặc dù truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu bắt buộc đối với thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á. Thêm vào đó, cho đến nay chưa có bộ dữ liệu về dấu hiệu nhận diện đặc trưng thực sự của tiêu Việt Nam theo giống, theo khu vực địa lý… để phục vụ xây dựng thương hiệu và xuất xứ tiêu Việt.

Như vậy, để có thể giải quyết, khắc phục những tồn đọng và phát huy tiềm năng của ngành tiêu Việt Nam, cần cấp thiết phải hoàn chỉnh quy trình sản xuất tiêu từ quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ hạt tiêu; thiết lập hệ thống truy xuất và xác thực nguồn gốc một cách hiệu quả; và xây dựng các dấu hiệu nhận diện chất lượng tiêu Việt Nam.

Trong các thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ yếu của Việt Nam, thị trường châu Âu là thị trường đứng thứ 2 (năm 2019, chiếm 12% về lượng và 14,4% về kim ngạch), sau Mỹ (chiếm 18,1% về lượng và 19,8% về kim ngạch). Châu Âu là thị trường truyền thống của tiêu Việt Nam với những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng hơn so với Tiêu chuẩn kỹ thuật về tiêu của Việt Nam (TCVN 7036:2008). Theo quy định của Hiệp hội Gia vị châu Âu (European Spice Association – ESA), bên cạnh các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, thì các thành phần hóa học đặc trưng phản ánh chất lượng của tiêu (piperin, tinh dầu bay hơi…) được quy định một cách chi tiết.

Khi xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm hạt tiêu cần phải tuân thủ các yêu cầu ràng buộc về mặt pháp lý như: An toàn thực phẩm; Dư lượng Thuốc bảo vệ thực vật tối đa; Nhiễm độc vi sinh; Phụ gia thực phẩm và pha trộn chất giả…

Việc phân hạng chất lượng hạt tiêu cũng được quy định chặt chẽ. Do đó, khi hoàn thiện công nghệ, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và các dấu hiệu nhận diện chất lượng, nên tham chiếu vào các quy định của thị trường châu Âu để làm cơ sở. Khi đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường châu Âu, thì việc tiếp cận các thị trường khác về chất lượng cũng sẽ được đáp ứng vì đòi hỏi các thị trường khác về chất lượng là tương đương (Mỹ, Nhật) hoặc thấp hơn (Trung Đông, Trung Quốc, Đông Nam Á…) của châu Âu.

Truy xuất nguồn gốc, số hoá quy trình sản xuất và tiêu thụ để nâng giá trị tiêu Việt – vấn đề và giải pháp 

Quy trình trồng tiêu ở nước ta đã được tiêu chuẩn hóa từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Quyết định số 730/QĐ-BNN-TT ký ngày 5/3/2015 ban hành Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch tiêu. Tuy nhiên, các nông hộ đang canh tác theo kinh nghiệm và tự phát. Khi giá tiêu tăng, nông hộ tập trung bón phân, phun thuốc để tăng sản lượng. Các tiêu chí kỹ thuật giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của quy trình trồng, sơ chế và bảo quản không tuân thủ nghiêm.

Vì vậy các giải pháp đưa ra là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cho tiêu Việt Nam với đầy đủ các thông tin truy xuất và dấu hiệu nhận diện chất lượng để phục vụ công tác truy xuất và xác thực nguồn gốc cho tất cả các bên có liên quan trong chuỗi cung ứng tiêu.

Đi kèm với đó là xây dựng hệ thống truy xuất và xác thực nguồn gốc trên nền tảng công nghệ blockchain để giải quyết vấn đề về tính minh bạch thông tin và bảo đảm việc đúng đắn, không sửa chữa thông tin trong chuỗi cung ứng.

Phát triển các ứng dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc, xác thực nguồn gốc và cập nhật dữ liệu phục vụ cho tất cả các bên có liên quan trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng.

Đối với tiêu, truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng như Mỹ, châu Âu, Nhật… Ví dụ, với thị trường châu Âu, truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu bắt buộc đối với tiêu nhập khẩu. Ngay cả đối với thị trường trong nước, với nhận thức và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, người tiêu dùng cũng đòi hỏi các sản phẩm tiêu dùng như tiêu cũng phải được truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện các thủ tục, quy trình truy xuất nguồn gốc tiêu trong toàn chuỗi cung ứng chưa được xây dựng một cách đầy đủ và hiệu quả. Quy trình còn thiếu nhiều thủ tục cần thiết và chưa thể truy xuất tại tất cả các nốt trong chuỗi cung ứng vì còn thiếu thông tin và hệ thống kết nối, ứng dụng truy xuất dành cho người tiêu dùng.

Ứng dụng Blockchain để nâng cao uy tín và giá trị xuất khẩu cho hạt tiêu Việt Nam - Ảnh 1.

Trên thế giới, đã có một số công ty phát triển các phần mềm truy xuất nguồn gốc trên nền tảng blockchain như IBM.

Về hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm dựa trên nền tảng Blockchain: Trên thế giới, đã có một số công ty phát triển các phần mềm truy xuất nguồn gốc trên nền tảng blockchain như IBM (trên xoài), hay Thái Lan (trên gạo). Tuy nhiên, các hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc sử dụng thông tin gán cho đối tượng và/hoặc có giám sát quá trình sản xuất bằng sensor, chưa có triển khai thực hiện thu thập dữ liệu nội tại (hóa lý sinh) của sản phẩm để xác thực nguồn gốc.

Ở Việt Nam, hiện nay một số hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được thiết kế và ứng dụng cho một số đối tượng như Xoài, Thanh Long v.v… chưa có trên đối tượng là sản phẩm tiêu. Các hệ thống blockchain đã xây dựng được vẫn còn thiếu một nội dung tích hợp thông tin nội tại của sản phẩm để nâng cao độ tin cậy của thông tin trên hệ thống và cũng chưa tích hợp phương pháp kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, quy trình canh tác, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ của tiêu Việt Nam vẫn còn chưa được chuẩn hóa để phù hợp với thực trạng sản xuất tiêu Việt Nam (quy mô chủ yếu là quy mô nhỏ), nên năng suất và chất lượng tiêu chưa được đảm bảo, đặc biệt cho việc xuất khẩu tiêu vào các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục truy xuất và xác thực nguồn gốc tiêu Việt Nam chưa được xây dựng và áp dụng một cách có hiệu quả. Đặc biệt, tiêu Việt Nam chưa có các dấu hiệu nhận diện chất lượng về hóa học và cảm quan. Việc đánh giá chất lượng về hóa học và cảm quan vẫn chủ yếu dựa trên các phương pháp truyền thống, tốn nhiều thời gian, chi phí và nhân lực nên khó áp dụng vào chuỗi cung ứng. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về tiêu của Việt Nam để làm cơ sở cho hoạt động truy xuất và xác thực nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở Việt Nam đang bước đầu áp dụng, tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay đó là tính minh bạch và tính không thể sửa chữa thông tin trong hệ thống không được đảm bảo. Cùng với đó, là việc cung cấp thông tin chỉ dựa trên khai báo của các bên có liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng chứ chưa có các giải pháp xác thực thông tin đó dành cho các bên có liên quan. Do đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện nay thường hoạt động không hiệu quả.

Những người có nhu cầu thông tin về sản phẩm tiêu nhiều nhất là người tiêu dùng cuối cùng (thông tin về sản xuất, thông tin về chất lượng…). Tuy nhiên, hiện nay chưa có giải pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng.

Sản phẩm Tiêu của Việt Nam tuy đã được xuất với số lượng ít vào thị trường nước ngoài (Mỹ), tuy nhiên nhìn chung chất lượng hạt tiêu không đồng đều khi so sánh giữa các vùng, nông hộ. Có xuất hiện các trường hợp nhiễm vi nấm, dư lượng thuốc trừ sâu. Không có dấu hiệu nhận diện cụ thể (vùng trồng, giống…), điều này dẫn đến giá thành tiêu không cạnh tranh được. Chất lượng được kiểm tra và quyết định ở đầu cuối (tại nhà nhập khẩu), điều này làm cho chuỗi cung ứng tiêu gặp rất nhiều khó khăn.

Để khắc phục hiện tượng này thì ngay trong chuỗi cung ứng, từng node cần có công cụ để kiểm soát và cảnh báo về chất lượng và nguồn gốc; xác định các dấu hiệu nhận diện của Tiêu Việt Nam và có giải pháp xác thực các dấu hiệu đó.

Cùng với đó, các thông tin truy xuất chỉ là các thông tin do các bên có liên quan trong chuỗi cung ứng cung cấp, chưa có thông tin xác thực, đặc biệt xác thực các thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý, giống và chất lượng tiêu. Do đó, các bên có nhu cầu truy xuất thông tin, nếu nhận được thông tin cũng chỉ là thông tin truy xuất chứ không được xác thực. Điều này làm cho hệ thống truy xuất cũng chưa thực sự đảm bảo thông tin về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, đối với tiêu Việt Nam hiện nay, để quản lý và kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng, việc xây dựng đồng thời hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác thực nguồn gốc với đầy đủ các biểu mẫu, quy trình và dán nhãn thông tin là rất cần thiết.

Để có hệ thống thông tin có thể thông suốt, phục vụ việc truy xuất và xác thực thông tin một cách có hiệu quả, cần phải xây dựng một kiến trúc hệ thống phù hợp, với cơ sở dữ liệu đầy đủ, có khả năng kết nối tương tác với tất cả các bên có liên quan để có thể nhập/xuất thông tin trên hệ thống. Và phương thức tương tác với các bên có liên quan phải được thực hiện trên các ứng dụng dễ sử dụng, phổ biến, tương thích với các thiết bị truyền thông phổ biến hiện nay.

Công nghệ Blockchain được xây dựng với mục đích chống thay đổi dữ liệu, kể cả từ các đối tượng hoạt động nội tại bên trong hệ thống. Nó là một giải pháp dùng để xây dựng một loại cấu trúc dữ liệu mới (cuốn sổ cái) ghi nhận lại toàn bộ các giao dịch đã xảy ra một cách công khai trên một mạng lưới phi tập trung gồm các máy tính đồng đẳng theo trục thời gian, và làm thay đổi tư duy trong một số lĩnh vực ứng dụng giúp tăng cường sự tin tưởng, tính trách nhiệm và sự minh bạch với chi phí và quy trình thủ tục được giảm thiểu đáng kể. Với các đặc tính đó, Blockchain là một phương pháp phù hợp để giải quyết các yêu cầu đã đặt ra.

Tuy nhiên, dù cơ sở dữ liệu trên hệ thống blockchain không thể thay đổi khi đã đưa vào hệ thống nhưng việc làm giả cơ sở dữ liệu sản phẩm ngay tại đầu nguồn của chuỗi cung ứng là hoàn toàn có thể xảy ra. Do các thông tin ở đầu nguồn (sản phẩm gốc) là thông tin gán cho đối tượng, vì vậy việc gian lận thông tin có thể xảy ra. Vì vậy, việc khai thác thêm cơ sở dữ liệu thông tin về đối tượng, sản phẩm là điều cần thiết để hạn chế việc làm giả và làm cơ sở để xác thực nguồn gốc hoặc để làm dữ liệu trọng tài trong quá trình xử lý tranh chấp thương mại.

Từ những vấn đề nêu trên, việc ứng dụng công nghệ Blockchain phục vụ quản lý chuỗi sản xuất và tiêu thụ hạt tiêu Việt Nam sẽ nâng cao giá trị của chuỗi sản phẩm tiêu. Ngoài ra, việc ứng dụng này sẽ cung cấp thêm một giải pháp hiệu quả trong việc kiểm định và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, vốn đang còn nhiều tồn tại và bất cập hiện nay của Việt Nam. Việc tích hợp thêm giải pháp kiểm định nhanh chất lượng sản phẩm dựa trên phân tích dữ liệu vào hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể xem là một bước tiến tiếp theo cho giải pháp truy xuất nguồn gốc.

Việc ứng dụng công nghệ Blockchain để đảm bảo tính đúng đắn của dữ liệu cũng sẽ đảm bảo tính chính xác của các quá trình phân tích dữ liệu. Hơn nữa, sử dụng giải pháp quản lý chứng chỉ số bằng Blockchain cho phép tích hợp thêm các thông tin (các chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm) vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ làm cho hệ thống chặt hơn.

Về mặt ứng dụng thực tiễn, với các giải pháp truy xuất nguồn gốc hiện tại ứng dụng công nghệ Blockchain đã phần nào mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với một số loại sản phẩm đặc thù như tiêu, người dùng thông thường sẽ khó có đủ dữ liệu để đánh giá được chất lượng tiêu chỉ bằng việc xem nhật ký sản xuất và chế biến. Nhưng nếu hệ thống có khả năng cung cấp cho người dùng một thông tin đánh giá nhanh về chất lượng dựa trên dữ liệu đó thì sẽ giúp củng cố niềm tin của người dùng hơn./.

TS. Hoàng Quốc Tuấn, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)
nguồn: https://ictvietnam.vn