Xu hướng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thực phẩm

Xu hướng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thực phẩm

Internet phát triển đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tìm hiểu và quan tâm hơn về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là yếu tố tích cực thúc đẩy ngành công nghệ thực phẩm phát triển theo xu hướng sáng tạo những sản phẩm mới vừa ngon miệng, vừa an toàn và có lợi cho sức khỏe. Nhân lực ngành công nghệ thực phẩm và CNSH cũng vì thế mà đang dần chuyển dịch theo.

Nhiều doanh nghiệp CNSH, doanh nghiệp sử dụng nhân lực lĩnh vực CNSH đã được thành lập trong giai đoạn hiện nay, và tăng nhanh so với những năm trước đây. Sự phát triển của CNSH đang diễn ra theo cả 2 khía cạnh là tăng về quy mô ứng dụng và đòi hỏi trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Do đó, nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này tăng cả về số lượng nhưng cũng đòi hỏi trình độ ngày một gia tăng.

Song song với đó, công nghệ chế biến thực phẩm được Chính phủ lựa chọn là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Do đó, công nghệ thực phẩm đang là một ngành học hấp dẫn với triển vọng việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp nội địa lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với mong muốn đào tạo sinh viên ngành CNTP ngày càng nâng cao về năng lực, trình độ chuyên môn và đồng thời tạo điều kiện giúp các em sớm có cơ hội học tập và rèn luyện nhiều hơn từ môi trường thực tế để đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng sau khi ra trường, nhiều trường ĐH chú trọng hợp tác và duy trì mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm trong một buổi học thực hành.

PGS. TS. Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm trong thời gian qua, Viện đã và đang tập trung xây dựng các chương trình đào tạo có chất lượng cao được đánh giá bới các tổ chức đánh giá và kiểm định có uy tín của quốc tế và trong khu vực. Năm 2020, chương trình kỳ Kỹ thuật sinh học của VIện đã được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA ((ASEAN University Network – Quality Assurance) đánh giá và chương trình Kỹ thuật thực phẩm tiếp tục được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn này vào tháng 09/2021.

Bên cạnh đó, Viện đã phát triển thêm chương trình ELITECH Kỹ thuật Thực phẩm từ năm 2019. Chương trình ELITECH (Từ viết tắt của cụm từ Elite Technology Program) là chương trình đào tạo có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên cho phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời trở thành hình mẫu trong hệ thống đào tạo của ĐH Bách Khoa Hà Nội về nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại.

Chương trình ELITECH hướng đến các sinh viên ưu tú có nguyện vọng trở thành kỹ sư, chuyên gia và nhà quản lý giỏi trong những ngành kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Viện cũng chủ động hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, các trường đại học uy tín để xây dựng các chương trình đào tạo song bằng như chương trình đào tạo thạc sĩ CNSH song bằng với Trường ĐH Nagaoka Nhật Bản.

Viện cũng có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên năng động, được đào tạo bài bản tại ĐHBKHN và các trường đại học ở các nước tiên tiến, có năng lực và trình độ đào tạo và nghiên cứu cao với 93% giảng viên có học vị tiến sĩ và 43% giảng viên có học hàm GS, PGS. Bên cạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong và ngoài nước, Viện cũng tập trung đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để giải quyết các yêu cầu thực tế đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các khóa đào tạo các dự án hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Viện CNSH-CNTP cũng là đơn vị tích cực tham gia “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì”, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại một cơ sở đào tạo khác trong năm học 2019 -2020, Trường ĐH Tiền Giang với hơn 125 sinh viên gồm hệ ĐH và CĐ CNTP đã được gửi đến thực tập tại nhà máy của 19 công ty trong và ngoài tỉnh; gần 70 sinh viên thực tập tốt nghiệp cuối khóa đã được các doanh nghiệp trao cơ hội tiếp cận với quy trình sản xuất thực tế cũng như các trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế với nhu cầu gia tăng về nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng xây dựng chương trình Khoa học và Công nghệ thực phẩm theo chuẩn quốc tế, trang bị cho sinh viên những kiến thức cập nhật, đón đầu xu hướng nền công nghiệp chế biến thực phẩm thế giới. Các môn học tập trung vào 3 mảng chính: công nghệ chế biến thực phẩm, an toàn chất lượng thực phẩm và  quản lý đổi mới công nghệ thực phẩm. Sinh viên được học lý thuyết gắn liền với thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại, cũng như tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn thông qua các chuyến đi trải nghiệm thực tế tại các nhà máy, khu công nghiệp; các dự án nghiên cứu và kỳ thực tập từ 3-6 tháng trong nước và các nước có nền công nghệ chế biến thực phẩm phát triển như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan,.. Với chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, sinh viên được trau dồi kỹ năng ngoại ngữ chuyên môn và giao tiếp thành thạo, bên cạnh các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý dự án… để sẵn sàng gia nhập môi trường làm việc quốc tế trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định, với nhu cầu nhân lực trong ngành CNSH và CNTP như hiện nay sinh viên hoàn toàn có thể theo học và tự tin ra trường với cơ hội việc làm cạnh tranh dưới sự giảng dạy, hướng dẫn bài bản, chuyên môn từ các trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế.