Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem): Điều quan trọng là khả năng tư duy logic

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem): Điều quan trọng là khả năng tư duy logic

Ông Nguyễn Phú Cường hiện là Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM). Ông là cựu sinh viên ngành Công nghệ lên men – K25, là tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm, Viện CNSH & CNTP, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Ngày 17/4/2023, ông Nguyễn Phú Cường tiếp tục được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) theo quyết định số 263/TTg-TCCB của Thủ tướng Chính phủ, sau một nhiệm kỳ trước đó rất thành công. Ông đã đưa Vinachem từ công ty thuộc danh sách thua lỗ nghìn tỷ kéo dài thành một công ty liên tục báo lãi kỷ lục giữa 2 năm covid đầy khó khăn và thử thách.

Nhân dịp này, Viện CNSH & CNTP xin được trích lược bài phỏng vấn ông Cường, đăng trên báo Vietnamnet:

PV: Ông về làm Chủ tịch HĐTV giữa lúc Vinachem rất bừa bộn, nợ nần ngập đầu, danh sách các đại dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài… nói thật là hình ảnh Tập đoàn khi ấy rất xấu xí. Nhưng rồi 2 năm giữa đại dịch, Vinachem lại liên tục báo lãi kỷ lục. Điều gì khiến Vinachem tạo nên bất ngờ này?

Ông Nguyễn Phú Cường: Trong thâm tâm tôi nghĩ, công nghiệp hoá chất là ngành công nghiệp cơ bản. Gần như tất cả các ngành kinh tế đều phải dùng sản phẩm, dịch vụ của nó. Công nghiệp thì dùng xút, a xít. Nông nghiệp thì dùng phân. Vận tải thì dùng lốp, khách sạn thì dùng xà phòng, chất tẩy rửa… Vậy thì lo gì không có đường sáng, dù lúc tôi về đúng là khó khăn như nhà báo nói.

PV: Lý thuyết thì thế, nhưng “vận” vào doanh nghiệp, cụ thể là trong suốt 3 năm khó khăn nhất vừa qua, Vinachem cùng các đơn vị thành viên đã tận dụng cơ hội thế nào?

Ông Nguyễn Phú Cường: Đầu năm 2020, truyền thông quốc tế lẫn trong nước bắt đầu đưa tin về dịch Covid ở Vũ Hán. Khi những hình ảnh phong toả Vũ Hán đầu tiên ập đến thì chúng tôi nói với nhau rằng: Trung Quốc là công xưởng của thế giới thì Vũ Hán là trung tâm của công nghiệp hoá chất Trung Quốc.

Cho nên, từ tháng 2/2020, Vinachem đã có những chỉ thị, cuộc họp giữa Ban thường vụ Đảng uỷ với HĐTV, Ban Điều hành để chuẩn bị kịch bản, đốc thúc, động viên các anh em đơn vị sẵn sàng cho các tình huống. Nhờ đó, chúng tôi đã mua được nguyên liệu, vật tư đầu vào rất sớm.

Giữa 2 năm đại dịch, cả nước có khoảng 1.000 nhà máy phân bón thì đa số hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu, thiếu cả người lao động. Nhưng không nhà máy nào của Vinachem ngừng, từ phía Bắc là DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Ninh Bình, hay Cao su Đà Nẵng, Cao su miền Nam, Phân bón Bình Điền.

Khi có thông tin Cảng Cát Lái tắc, chúng tôi cũng chuyển hướng, sang Hiệp Phước hay thậm chí tận Tiên Sa (Đà Nẵng), chi phí có đội lên nhưng phải chấp nhận, bởi lúc này làm sao giữ được khách hàng là sống còn.

Nhưng khách hàng của chúng tôi ở nước ngoài, có người vẫn lo, vẫn không tin. Có ngày họ gọi 2-3 lần hỏi đi hỏi lại “liệu các ông có sản xuất được thật không? có giao được hàng không?”. Lúc đó, chúng tôi nghĩ ra cách là livestream cho họ để thấy nhà máy vẫn chạy, cả nghìn cái lều vẫn tấp nập, 20.000 công nhân ra vào như trong doanh trại theo phương châm 3 tại chỗ. Tất cả chỉ để khách hàng không bỏ mình mà đi. Nhờ thế, chúng tôi tranh thủ được thị phần các đối thủ bỏ lại.

Kết quả là ngay trong năm 2020, dù năm đầu tiên của Covid nhưng chúng tôi chuyển biến rõ. Năm 2021 thì lãi kỷ lục hơn 2.000 tỷ. Năm 2022 thì doanh thu cũng lịch sử, vượt 62.000 tỷ và kỷ lục mới lợi nhuận trên 6.000 tỷ đồng.

PV: Rõ ràng kết quả đó có được nhờ dự báo, phản ứng nhanh. Thế nhưng tôi hơi thắc mắc là tại sao giữa lúc mà ai cũng nghĩ khó khăn nhất thì mình vượt lên, mà giờ cả thế giới “bình thường mới” rồi, thì kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn lại tụt một cách còn bất ngờ hơn?

Ông Nguyễn Phú Cường: Cần phải thực tế. Phân tích và dự báo được cả yếu tố ngoại cảnh và nội lực.

Nói về ngoại cảnh, khi bắt đầu xây dựng kế hoạch 2023 vào cuối năm ngoái, đã có tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ bỏ zero Covid. Mà như tôi nói, họ là công xưởng ngành hoá chất thế giới. Họ như một cái lò xo bị nén, lúc bung ra thì khủng khiếp lắm.

Ngành này, phẳng và liên thông với thế giới. Chúng tôi không chỉ cạnh tranh với họ ở nước ngoài, mà chủ yếu là cạnh tranh chính trong nước. Năng lực chúng tôi cũng có thể sản xuất như 2 năm qua, nhưng liệu thị trường có hấp thụ được không khi họ sản xuất trở lại, tràn vào.

Thời điểm quý 3, quý 4 năm ngoái, mấy ai nghĩ ure từ mức 900 USD/tấn sẽ về 310 USD như hiện nay. Hay Lưu huỳnh từ 500 USD/tấn còn 130 USD…

Mình không nên chủ quan, xây dựng kế hoạch duy ý chí. Từ ngày tôi về đây, không năm nào chúng tôi xây dựng chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước theo kiểu duy ý chí. Những dự đoán, kế hoạch mà chúng tôi đưa ra cơ bản đã bám sát thực tế

PV: Thế mà, lúc ông từ Vụ trưởng Khoa học về Tập đoàn, người ta xì xào lắm, họ “khen” ông hàn lâm, khoa học nhưng biết gì về bán phân, bán lốp. Mà Tập đoàn lúc đó thì đang ở giai đoạn khó khăn nhất?

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi biết chứ. Tập đoàn lúc đó thật sự rất khó. 4 dự án trong danh sách các đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương. Thậm chí họp tổng kết năm đầu tiên, lãnh đạo Bộ còn nói, nếu không khéo thì danh sách này còn kéo dài.

Lúc đó thanh kiểm tra nhiều, chỉ ra nhiều sai phạm. Anh em như con chim sợ cành cong, tâm lý co cả lại. Vì Tập đoàn thua lỗ, nợ nần nhiều nên thu nhập thấp, đội ngũ xin nghỉ, chuyển việc cũng lắm…Do đó, chúng tôi xác định cốt lõi là phải củng cố lại đội ngũ; xây dựng lại niềm tin với đối tác.

Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, cũng có thể nói là một môi trường kỹ thuật lớn của đất nước. Sau đó du học ở Đại học Ghent (Bỉ) về khoa học ứng dụng. Trước khi làm quản lý ở Vụ Khoa học Công nghệ về giải pháp, công nghệ mới thì có nhiều năm nghiên cứu ở Viện…

Cái may là được trải qua nhiều môi trường nên không sa đà vào kỹ thuật, hay lý thuyết quá cũng không xong. Mình nghĩ học trong trường là lý thuyết, mọi thứ vận dụng tình huống cụ thể.

Thực tế muôn màu hơn nhiều. Điều học quan trọng là khả năng tư duy logic.

PV: Không hiểu với một người vừa từng là dân khoa học, giờ làm kinh doanh như ông thì có thích đọc sách không, nếu có thì ông đọc sách gì?

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi đọc truyện trinh thám để học cách tư duy và cả để thi thoảng cho mình tưởng tượng, thoát khỏi những giới hạn nào đó. Tôi cũng đọc lịch sử chiến tranh, để biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp dụng binh, chiến thắng thế nào.

Tôi đọc Steve Job, rồi cả “Lũ tiểu mãn” để biết lúc nào người nông dân thúc đồng, lúa trổ đòng đòng để còn đi bán phân (cười lớn).  Giờ mình sản xuất cho nông nghiệp thì nghiên cứu nước về, nước tốt thì thuỷ điện phát tốt. Cây cối tốt thì mùa thuận, tức mình bán hàng thuận. Chứ thứ đó trong trường có ai dạy đâu vì không liên quan đến ngành học.

Mình có được đi nhiều lắm đâu, nhưng nhiều thứ có được là từ sách. Hồi xưa thì đọc sách in, còn giờ đọc sách điện tử. Nhiều khi trà dư hậu tửu ngồi nói chuyện với anh em, rồi đi đơn vị, họ bảo sao cái đó sếp biết. Mình nói cái đó đọc ở đây, ở đây này.

Kể vậy để cũng muốn anh em đọc. Kinh nghiệm, trí thức các thế hệ đúc kết trong trang sách. Ở đó có vô vàn, vấn đề lưa chọn cái gì mà đọc, để phục vụ cho mình.

Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Bạn đọc có thể đọc bài phỏng vấn trên Vietnamnet.

Viện CNSH & CNTP

. homescontents