Xác định đây là một công việc quan trọng trong đào tạo, trong những năm qua trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và Viện CNSH & CNTP nói riêng luôn chú trọng việc xây dựng và thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học sinh viên. Nhà trường và Viện có nhiều biện pháp khuyến khích và hỗ trợ sinh viên trong quá trình lựa chọn, xây dựng đề cương nghiên cứu, tìm nguồn kinh phí thực hiện. Các cán bộ thuộc Bộ môn, trung tâm luôn nhiệt tình giúp đỡ các nhóm nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hướng dẫn sinh viên về phương pháp, chỉ ra những mặt mạnh, những điểm yếu và gợi ý hướng đi bổ ích cho sinh viên trong quá trình tiếp cận đề tài và nghiên cứu. Chia sẻ về quan điểm và sự hỗ trợ tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động Nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trương Quốc Phong – Phó Viện trưởng Viện CNSH&CNTP – cho biết: “Viện CNSH&CNTP là Viện có truyền thống về đào tạo và nghiên cứu khoa học, có một vị trí cao không chỉ trong Trường BKHN mà còn được đánh giá cao bởi các Trường Đại học khác cũng như các doanh nghiệp. Viện có cơ sở vật chất tương đối tốt và có thể được đánh giá tương đương với các trường đại học ở các nước phát triển. Viện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và đặc biệt có thể tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm khi còn là sinh viên năm thứ 2,3. Hàng năm, Viện đều tổ chức tuần sinh viên nghiên cứu khoa học, mở diễn đàn để sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu khoa học của mình, để sinh viên được thực hành kĩ năng thuyết trình cũng như phát triển sáng kiến.”
Tuần lễ “Sinh viên Nghiên cứu Khoa học” là hoạt động thường niên của Viện cũng như của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và được diễn ra vào trung tuần tháng 5 hàng năm. Đây là hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa đối với sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi và tham gia nghiên cứu khoa học. Là một trong số những đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học đứng hàng đầu trong Trường, số sinh viên của Viện CNSH & CNTP tham gia nghiên cứu khoa học luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số sinh viên của Viện. Tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được từ việc đổi mới cách thức tổ chức trong các năm học trước, Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên lần thứ 35 của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm đã diễn ra vào ngày 15/05/2018, tại Hội nghị lần này có tổng số 123 sinh viên tham gia NCKH (trong đó không chỉ có các bạn sinh viên năm cuối K58, Hội nghị còn có sự góp mặt của 43 sinh viên K59, và đặc biệt có 10 sinh viên K60 tham gia khi mới là SV năm thứ 3) với 80 báo cáo: 36 Kỹ thuật sinh học và 44 Kỹ thuật thực phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm của một người đã từng tham gia NCKHSV, Nguyễn Phúc Bình – sinh viên chuyên ngành Quá trình thiết bị K59 – một trong 3 thành viên của nhóm Nghiên cứu khoa học với đề tài “Máy làm giá đỗ tự động” giành giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường và giải Ba cấp Bộ năm 2017 – năm mà các bạn đều là SV năm thứ 3 – cho biết “ Động lực giúp mình đam mê và tham gia NCKH là muốn được học tập và trải nghiệm các hoạt động của sinh viên, trong đó có hoạt động sinh viên NCKH. Ở đây sinh viên được là chính mình, được thỏa sức sáng tạo, từ đó trau dồi kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho bản thân. Mình tham gia NCKH khi đang là sinh viên năm 3 nên thật sự có rất nhiều khó khăn khi thực hiện nghiên cứu từ việc tìm kiếm đề tài nghiên cứu, tìm thầy cô hướng dẫn, hạn chế về kiến thức và tài liệu, hạn chế về hiểu biết các vấn đề của doanh nghiệp và xã hội, hạn chế về kỹ năng mềm, hay cả những việc làm thí nghiệm như thế nào. Nhưng với sự quyết tâm, sẵn sàng thực hiện cái mình đam mê và sáng tạo cùng với sự định hướng, hướng dẫn của thầy cô, sự động viên và hỗ trợ từ bạn bè, nhóm mình đã đạt giải cao trong NCKH Sinh viên năm đó.” Được biết đề tài của của nhóm sinh viên này đã được rất nhiều phóng viên báo trí, truyền thanh và truyền hình đã tìm đến và đưa tin.
Nghiên cứu khoa học sinh viên, có lẽ điều đầu tiên sinh viên cảm nhận được là mất thời gian, là khó khăn, là ngại. Nhưng các bạn hãy hình dung rằng NCKH cũng sẽ mang lại cho bạn rất nhiều điều bổ ích:
- Thứ nhất, tham gia NCKH là cách chúng ta hiểu sâu hơn những kiến thức được học ở trên giảng đường, bổ sung thêm những kiến thức chuyên môn mà chưa có trong sách vở. Thông qua những hoạt động nghiên cứu như thiết kế, chế tạo thiết bị, thực hiện thí nghiệm, lấy mẫu, phân tích, đánh giá, sinh viên sẽ có được những trải nghiệm mới để nhìn nhận chính xác hơn, khách quan hơn về các vấn đề trong kỹ thuật sinh học và kỹ thuật thực phẩm, cũng như những thiết bị phục vụ cho các lĩnh vực này;
- Thứ hai, NCKH giúp sinh viên thực hiện đề tài một cách khoa học từ việc lập mục tiêu, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian, triển khai nhiệm vụ và kết luận vấn đề. Thông qua đó, sinh viên sẽ tự trang bị được cái nhìn bao quát một vấn đề và các kỹ năng phản biện, nâng tầm tư duy và sáng tạo. Cũng đồng thời, qua các buổi thảo luận nhóm, thuyết trình, báo cáo thì sinh viên cũng nâng cao được kỹ năng Teamwork, khả năng thuyết trình. Những kiến thức, kỹ năng tích lũy được sẽ là yếu tố giúp bạn có khả năng lãnh đạo hay ít nhất nó sẽ có tác động tích cực đến việc hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp sau này;
- Thứ ba, NCKH giúp bạn hiểu thêm được kiến thức về kinh tế – xã hội, những điều doanh nghiệp đang có và những thứ doanh nghiệp đang cần. NCKH cũng giúp bạn gắn kết và mở rộng các mối quan hệ thông qua làm việc trực tiếp với các giảng viên, bạn bè và những cơ hội được tham quan và trải nghiệm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực tế. NCKH cũng sẽ giúp bạn tăng được khả năng tiếng Anh thông qua tìm hiểu và đọc các bài báo quốc tế, tìm kiếm các thông tin trên thế giới internet. Ngoài ra NCKH cũng sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động ngoại khóa của nhóm nghiên cứu.
- Thứ tư, NCKH giúp bạn có được giấy chứng nhận tham gia NCKH, và các giải thưởng cũng như cơ hội có thể được đầu tư để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Đồng thời, NCKH có thể giúp bạn hình thành ý tưởng khởi nghiệp ngay từ thời sinh viên, giúp bạn hiểu rõ khả năng và đam mê và định hình hướng đi đúng cho bản thân. Cuối cùng, bạn cũng cần biết rằng các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp, các tổ chức cấp học bổng, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước luôn ưu tiên và tôn trọng những sinh viên có tham gia NCKH.
Khi Việt Nam đang tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam hòa vào nền kinh tế toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang là cơ hội và thách thức với sự phát triển nên kinh tế trong nước thì giáo dục cũng cần thay đổi để hòa nhập. Giáo dục 4.0 đánh giá chất lượng của sinh viên thông qua kiến thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc sinh viên tham gia các dự án cũng như các hoạt động NCKH. Nghiên cứu khoa học cũng là công cụ quan trọng để định hướng cho công tác giáo dục. Vậy nên, chúng ta – thế hệ “vàng” của đất nước – cần phải thay đổi suy nghĩ và thay đổi phương pháp học tập, sinh viên cần phải học tốt chuyên môn, nâng cao kỹ năng mềm, chịu khó thực hành, tích cực tham gia các dự án, tích cực tìm kiếm cơ hội đến các nhà máy, tích cực tìm hiểu xã hội và thị trường,… Nên tạo cho mình một thói quen chủ động trong học tập và công việc. Tham gia NCKH cũng là một cách để các bạn hướng đến khởi nghiệp, tạo dựng cơ hội và thành công trong tương lai.
Hẹn gặp lại các bạn trong Tuần lễ Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 36 của Viện CNSH & CNTP sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm 2019!