Probiotics: Xu hướng thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn chuỗi thực phẩm

Probiotics: Xu hướng thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn chuỗi thực phẩm

Ngày 14 tháng 10 năm 2022, trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quản lý chất lượng và an toàn Thực phẩm QMFS2021+1 do Viện CN Sinh học và CN Thực phẩm – Đại học Bách khoa HN và công ty CP chứng nhận và giám định VinaCert đồng tổ chức; workshop với tiêu đề PROBIOTICS: XU HƯỚNG THAY THẾ KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI ĐẢM BẢO AN TOÀN CHUỖI THỰC PHẨM đã diễn ra nhằm kết nối, trao đổi thông tin khoa học nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, cập nhật các giải pháp sử dụng probiotic và sử dụng an toàn chế phẩm sinh học để giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh và đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây cũng là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua chuỗi nhiệm vụ thuộc chương trình 562 Lĩnh vực Khoa học sự sống.

Workshop Probiotics: xu hướng thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn chuỗi thực phẩm

Phiên workshop có sự tham dự của hơn 30 nhà khoa học đại diện cho các trường đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Vi sinh vật và CN Sinh học ĐH Quốc gia HN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Công nghệ Châu Á (AIT); các Viện nghiên cứu trong nước và quốc tế (Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện nghiên cứu chăn nuôi Quốc tế ILRI),  và đặc biệt là sự có mặt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Kiểm nghiệm, CN Thực phẩm, CN sinh học và Chăn nuôi thú y và các đồng nghiệp quan tâm đến probiotic và vấn đề an toàn thực phẩm.

Đông đảo nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tham dự workshop chiều 14/10

Workshop diễn ra với hai phần. Phần 1 là các báo cáo khoa học với các bài trình bày tổng quan về tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, những thách thức và giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững (PGS. TS. Phạm Kim Đăng, Học viện Nông nghiệp VN); những bước chính trong việc phát triển một sản phẩm probiotic theo hướng dẫn của FAO và WHO, những khó khăn và vấn đề thường gặp trong thực tiễn khi phát triển một sản phẩm probiotic (TS. Hoàng Văn Vinh, Viện vi sinh vât và CN Sinh học, ĐH Quốc gia HN) và các báo cáo chuyên sâu các kết quả nghiên cứu định hướng sử dụng probiotic trong chăn nuôi và thực phẩm có lợi cho sức khoẻ của các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế, Viện CN Thực phẩm, Viện CN Sinh học và CN Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS. TS. Phạm Kim Đăng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam

TS.Đặng Xuân Sinh. Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI)

Ông Thái Mạnh Hùng – Cty Biospring

 

GS.TS Anil Kumar Anal, Viện Công nghệ Châu Á (AIT) Thái Lanphát biểu ý kiến tại workshop

Phần 2 của Workshop đã diễn ra rất sôi nổi dưới hình thức thảo luận bàn tròn. Các đại biểu tham dự đã trao đổi các vấn đề liên quan và kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực phục vụ cho an toàn thực phẩm. GS.TS. Anil Kumar Anal (Viện AIT Thái Lan) chia sẽ kinh nghiệm của các nhà khoa học Thái lan trong việc kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua các hình thức như làm việc luân phiên trong tuần tại viện và cả doanh nghiệp, doanh nghiệp tài trợ nghiên cứu được miễn giảm thuế. Các doanh nghiệp tham dự đã đề đạt các vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm như chủng giống từ địa phương, đánh giá tác dụng của chủng giống, các phương pháp kiểm định, giám định. Các nhà khoa học từ trường, viện đã thẳng thắn bàn luận và thống nhất một số những hướng chính cần sự đồng lòng và tham gia tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước cho các nghiên cứu có tính khả thi cũng như việc ứng dung các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Các đại biểu thảo luận tại workshop